Monday, 13 February 2017

Học TIẾN SĨ....

          ..ANH LÀ AI?
Chán quá, tôi muốn phát bệnh lên đây, bởi vì tự dưng ông già tôi bảo tôi phải đi học thêm để lấy bằng tiến sĩ với người ta”. 
Đó là lời tâm sự của một người bạn trong lúc trà dư tửu hậu. Tôi ngạc nhiên hỏi Thế thì ông già muốn anh lấy bằng tiến sĩ để làm gì ?” Người bạn lắc đầu Không biết....” 
Nổi khắc khoải của người bạn khiến tôi suy nghĩ miên man...Anh bây giờ đã trên 50, sao vẫn cứ bị áp lực của cha mẹ về danh phận vậy ???...

Trong xã hội Việt Nam thời nào cũng thế, làm cha mẹ ai cũng muốn con cái mình thành đạt nên người. Tuy nhiên, có bao nhiêu cha mẹ có thể hiểu rõ khả năng thực sự của con mình để dẫn dắt chúng đi theo con đường của chúng yêu thích ? Sự mong muốn thành công của con cái có phải là mục đích riêng của cha mẹ là muốn nở mặt nở mày với thiên hạ ?  Hay đó chỉ là sự mong mỏi duy nhất cho con mình được thành công trong nghề nghiệp ? Đến nay, dường như chưa có cuộc nghiên cứu nào có thể trả lời rõ ràng được những câu hỏi trên và cho biết số lượng bao nhiêu phần trăm cho mỗi câu trả lời để biết được khuynh hướng dạy con thời nay. Thực sự, phần đông cha mẹ Việt ít biết lắng nghe con cái để hiểu rõ và hổ trợ những điều chúng muốn làm. Do đó, mối quan hệ cha mẹ con cái ngày càng xa dần, điều mong mỏi của cha mẹ trở thành áp lực nặng nề cho con cái trong việc chọn lựa và phát triển ngành nghề cho tương lai.
Trở lại chuyện học tiến sĩ, cha mẹ ngày nay mong muốn con cái có học vị tiến sĩ cũng không có gì đáng ngạc nhiên hay mới mẻ trong xã hội Việt Nam. Thật vậy, ngay từ thuở xa xưa người Việt ta thường hay kính phục và ngưỡng mộ những người học giỏi, tài năng và kiến thức rộng. Bởi vì việc học khi xưa không dễ dàng chút nào, người học thành tài đến nơi đến chốn thường có những điều kiện đầy đủ về vật chất lẫn tinh thần. Đặc biệt, kể từ năm 1975 thì việc học hành thành tài lại càng trở nên khó khăn hơn vì yếu tố cơm, áo, gạo, tiền là mối quan tâm chính của mọi thành phần trong xã hội. Học hết tiểu học hay trung học cũng là đủ, nếu đậu và hoàn thành đại học thường là những người có trình độ khá và gia đình có đủ tiền bạc cho con. Hơn nữa, quan niệm từ lâu đời của người Việt tồn tại đến ngày nay về sự học “là để kiếm tiền”. Vì lẽ đó, những người có bằng cấp trên đại học, thường kiếm được việc chuyên môn tạo nên sự nghiệp lẫn tiền bạc dễ dàng hơn những người ít học hơn. 
Ngày nay tại Việt Nam, cũng chính từ những quan điểm kiếm tiền nên con số những người “có bằng cấp tiến sĩ hay xưng giáo sư” lại xuất hiện khắp nơi và con số thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư đột ngột gia tăng nhanh chóng đến chóng mặt trong mọi ngành nghề tại Việt Nam. Điều này khiến cho người ta phải đặt dấu hỏi: “Tiến sĩ là ai ?” Đã học như thế nào và nghiên cứu gì để góp phần vào sự phát triển khoa học trong nước cũng như trên thế giới ? Bằng tiến sĩ cấp tại VN có giá trị tương đương với bằng cấp ở các nước khác hay không ?
 
Tại các nước phát triển, tiến sĩ (TS) là người làm nghiên cứu khoa học được cấp bằng Ph.D (Doctor of Philosophy) hay Sc.D (Doctor of Science). Họ là những người, sau khi bảo vệ thành công luận án về một đề tài nghiên cứu nào đó trong khoa học nói chung hay ngành học của họ nói riêng,  đưa ra được kết quả đầu tiên trong đề tài nghiên cứu của họ mà trước đó trên thế giới chưa có công bố kết quả hay chưa từng có ai làm như vậy. Nói chung, cả hai loại bằng cấp Ph.D và Sc.D là bằng cấp cao nhất trong mọi hệ thống giáo dục. Cả hai loại có thể được công nhận khác nhau hay chỉ là một, tùy theo hệ thống giáo dục đào tạo của một số trường đại học (ĐH) trên thế giới mà họ đã ghi danh nghiên cứu.

Muốn làm luận án tiến sĩ để trình bày những nghiên cứu của mình, nghiên cứu sinh phải làm đơn nộp vào trường ĐH của ngành đó để xin xét duyệt. Trong đơn xin, họ phải có ít nhất 3 người chuyên môn (referees) trong ngành đó bảo lãnh cho họ, đó là những người biết rất rõ về khả năng cũng như những gì họ đang nghiên cứu. Nếu trong ngành đó, có nhiều người nộp đơn làm luận án TS cùng một lúc, thì trường ĐH sẽ xem xét và lựa chọn vài hồ sơ thích hợp nhất, tùy thuộc vào chi phí của trường bỏ ra cũng như các yếu tố liên quan khác để quyết định chấp thuận hay không.

Sau khi được trường ĐH chấp thuận, nghiên cứu sinh đó sẽ được một gíáo sư ĐH chuyên ngành đó hướng dẫn trong suốt thời gian làm luận án. Thời gian làm luận án dài hay ngắn tùy theo điều kiện của từng nghiên cứu sinh, có thể làm luận án toàn thời (full time) hay bán thời (part time) và có thể vừa làm luận án vừa làm việc trong chuyên ngành đó. Thông thường, họ phải mất từ 3 đến 6 năm để hoàn thành luận án TS. Do đó, số lượng nghiên cứu sinh gặp khó khăn hoàn cảnh riêng, không thể hoàn thành luận án và bỏ dỡ dang không phải là ít. 

Nội dung nghiên cứu trong các luận án TS không chỉ là những suy nghĩ sáng tạo với lý thuyết, mà còn phải thí nghiệm cụ thể, áp dụng mẫu, tìm tòi học hỏi thêm và tổng hợp dữ liệu hay con số thống kê từ các tài liệu khác, để chứng minh kết quả  nghiên cứu của họ mang tính hiệu quả và có thể áp dụng thực tế. 
Khi bộ luận án hoàn tất, sẽ có một Hội Đồng Xét Duyệt (HĐXD) do trường ĐH thành lập, gồm có 2 hay 3 chuyên gia trong ngành đó để xem xét bản luận án đó. Những người trong HĐXD bắt buộc phải được chọn từ những trường ĐH khác. Nếu trong nước, ngành đó có quá ít chuyên gia thì trường ĐH phải mời chuyên gia ở các nước khác, có khi 3 chuyên gia ở 3 nước khác nhau và rất độc lập. Tuy nhiên, các chuyên gia này thường yêu cầu xem nội dung bản luận án trước khi chấp thuận tham gia vào HĐXD. Trong quá trình xem xét bản luận án, các chuyên gia sẽ đặt những câu hỏi cho nghiên cứu sinh trả lời. Thời gian duyệt xét luận án trung bình kéo dài ít nhất một năm mới có kết quả. Khi luận án được HĐXD thông báo thành công, trường ĐH sẽ tổ chức lễ phát bằng công nhận tiến sĩ (TS) cho nghiên cứu sinh đó. Bản luận án của vị TS đó sẽ được copy lại để lưu trữ trong thư viện trường ĐH cho sinh viên nghiên cứu. Trường hợp, nếu luận án TS không thành công, người nghiên cứu sinh đó sẽ được khuyến khích làm lại luận án khác để lấy bằng Thạc sĩ, nếu họ muốn.

Sau khi có bằng cấp TS trong tay, những việc làm của vị TS này sẽ tùy thuộc vào từng hoàn cảnh khác nhau của họ:

·  Nếu đã có việc làm trong viện khoa học liên quan đến luận án nghiên cứu, vị TS này sẽ tiếp tục làm việc với công trình nghiên cứu của mình. Sau đó, họ sẽ viết báo về các kết quả nghiên cứu của mình để công bố trên vài tạp chí khoa học quốc tế. Những bài báo đăng trong các tạp chí này thường được tuyển chọn kỹ lưỡng, nên mang giá trị rất cao trong ngành khoa học. Càng nhiều bài báo được đăng tải thì uy tín TS đó cũng được tăng theo và càng ngày được nhiều người trong ngành biết đến. Lúc này, vị TS sẽ trở nên bận rộn hơn cho việc nghiên cứu, viết báo, tham gia thảo luận và trình bày kết quả nghiên cứu trong các hội nghị (conferences) tổ chức hàng năm trong nước hay trên thế giới tùy theo từng ngành khoa học khác nhau. Dần dà, nếu tạo được uy tín với những công cuộc nghiên cứu hiệu quả có ích lợi, vị TS này sẽ được danh dự mời làm “key speaker” hay “group chairman” trong các hội nghị quốc tế và được nhiều người trong ngành kính nể.
· Đối với những vị TS không tìm được việc làm thích hợp để phát triển đề tài nghiên cứu của mình, có thể xin giãng dạy trong các trường ĐH như một giãng sư bình thường. Sau vài năm giãng dạy tại ĐH, tùy theo điều kiện và cơ chế quản lý của trường, vị TS này có thể được tăng lương và lên chức qua ba bậc khác nhau, từ tiến sĩ đến Trợ lý Giáo Sư (Professor Assistant), đến Phó Giáo Sư (Associate Professor) và cuối cùng Giáo Sư (Professor). Xin nói thêm ở đây, bằng cấp tiến sĩ, chức vụ giáo sư, chứ không có bằng cấp giáo sư. Những TS hay GS giãng dạy trong ĐH thường không còn nghiên cứu thêm gì nữa, chỉ giãng dạy cho sinh viên những lý thuyết liên quan mà thôi.
· Con số những người sau khi lãnh bằng cấp TS mà không tìm được việc làm cũng rất nhiều, vì nhiều lý do khác nhau, có thể đề tài nghiên cứu của họ không áp dụng được trong thực tế hay điều kiện khác về kinh tế hay mang tính chất cá nhân riêng của họ.
·  Ngoài ra, nếu dùng bằng cấp TS để xin một công việc khác về kinh doanh hay quản lý trong ngành không liên quan thì thường rất dễ thất bại nặng nề.

Về tính cách chung, đa phần những vị TS hay GS thường rất tự hào về bản thân cùng với những thành tích đạt được từ việc nghiên cứu của họ. Họ rất thích các dịp hội họp gặp gỡ trong ngành nghề, thí dụ tại hội nghị hàng năm, vì đây là cơ hội cho họ trao đổi kiến thức và tìm người hợp tác nghiên cứu cho những công trình mới. Nói chung, tất cả họ đều có điểm giống nhau, đó là lòng say mê công việc nghiên cứu và học hỏi không ngừng. Một TS giỏi thực thụ là người không bao giờ làm công việc khác ngoài chuyên môn riêng của mình, vì họ không quan tâm và cũng không có thời gian rãnh rỗi. Cũng không có một vị TS hay GS nào dùng bằng cấp TS của mình làm phương tiện kiếm tiền hay những lợi ích cá nhân khác. Một TS nghiên cứu giỏi chưa hẳn là người quản lý giỏi, lại càng không phải là người thích kinh doanh, đơn giản hơn hết TS chỉ là người say mê nghiên cứu mà thôi. 

Trong quá khứ và hiện tại, bên cạnh vài vị tiến sĩ Việt đóng góp đáng kể vào tiến bộ khoa học thế giới, cũng có rất nhiều vị khác lại đem bằng cấp TS của mình để hoạt động cộng đồng hay mở công ty kinh doanh kiếm tiền hay kiếm danh nhưng bản thân lại chưa từng học qua hay có kinh nghiệm nào về những việc đó. Điều đáng nói, số vị TS này lại có 1 điểm chung là không biết lắng nghe hay tôn trọng người khác, có lẽ vì quá tự tôn. Kết quả, họ đi đến thất bại, không tiến xa trong chuyên môn và uy tín cũng bị giảm trong mối quan hệ xã hội vì do tính cách riêng của bản thân.

Lời kết, để có được một bằng cấp tiến sĩ khoa học và có thể đứng vững được trong ngành nghề yêu thích là kết quả của một quá trình dài say mê học hỏi, nghiên cứu và làm việc thật sự bằng sự cố gắng không ngừng. Nếu các bậc cha mẹ mong muốn con mình đạt được như thế, chắc chắn phải hiểu rõ khả năng con mình và toàn tâm giúp đỡ ủng hộ con đi suốt con đường đó. Quan trọng nhất, vẫn là quyết định của con. 
Một vị tiến sĩ hay giáo sư có khả năng thật sự, luôn đạt thành công trong công việc và cũng không thời gian rãnh rỗi để làm những việc gì khác với chuyên môn Một tiến sĩ giỏi thật sự là người có tính cách khiêm nhường không bao giờ tỏ thái độ xem thường người khác. Tuy nhiên, trong đánh giá đúng đắn chúng ta nên hiểu rõ giá trị và khả năng thực sự của mỗi người, không phải nhìn thấy bằng cấp tiến sĩ hay nghe danh xưng gáo sư liền tỏ vẻ kính phục, phải thấy được kết quả nghiên cứu thật sự của họ đang làm, là số lượng những bài báo đăng trong các tạp chí khoa học có uy tín, là những gì mà họ trình bày hàng năm tại các hội nghị khoa học, là tên tuổi uy tín được nhiều chuyên gia biết tới và là những đóng góp tích cực của họ vào sự phát triển của ngành khoa học thế giới nói chung. Rất mong ngày càng có nhiều tiến sĩ Việt như thế́ !

TD sưu tầm

No comments:

Post a Comment

Rất Cám Ơn quý vị đã đồng hành chia sẻ.

Tâm Đạo

Đọc thêm - Other blogs

Tư Vấn - Counselling Form