Sunday, 8 January 2017

Thuyết Sinh Tử

SỐNG và CHẾT

Sinh, Lão, Bệnh, Tử là 4 giai đoạn trong sự sống của con người ai cũng phải trãi qua và chỉ có những người đã đi qua 60 năm cuộc đời mới có thể ngẫm nghĩ về những điều này. Tuy vậy, trong thời đại ngày nay cũng có biết bao nhiêu ngành nghề nghiên cứu vận mệnh con người đã thử nghiệm để tìm tòi học hiểu thêm về những nguyên tố nào đã quyết định tuổi thọ cho con người. Do đó, nhiều lý thuyết tâm lý học đã ra đời bằng các nghiên cứu tâm sinh lý liên quan đến phương cách duy trì sống thọ dựa trên những nhân tố phát triển theo sinh học tự nhiên, kết hợp với các phương cách rèn luyện phát triển về thể chất lẫn tinh thần.

Không có bất kỳ sự cố gắng nào của con người có thể làm hơn được để vượt qua cái chết hay biết trước cái chết để phòng tránh. Tuy vậy, có rất nhiều lý thuyết tâm lý giúp con người, nhất là những người tuổi còn trẻ, có thể giới hạn những hoạt động không lành mạnh để phòng tránh nguy cơ chết trẻ, thí dụ như không hút thuốc lá, uống rượu bia vừa phải, ăn uống điều độ dinh dưỡng và thường xuyên tập luyện cơ thể khỏe mạnh. Riêng trong bài viết này, 2 từ Sống và Chết nhằm liên quan đến giai đoạn tự nhiên cuối cùng của một đời người khi qua tuổi 60.

SỐNG TRONG THỜI KỲ LÃO HOÁ

Trong tâm lý học, người ta phân tách tuổi già theo nhiều giai đoạn phát triển khác nhau liên quan đến cái Có và cái Mất ở hiện tại. Những người trong giai đoạn từ tuổi 65 đến 80 đều có được những nhận thức đủ về mặt xã hội và tình cảm, với những kinh nghiệm cuộc sống vững vàng cùng với khả năng sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng bản thân. Không những họ có thể tự bản thân làm những gì yêu thích mà còn có thể đạt được sự hài lòng, mang ảnh hưởng tích cực tới môi trường xã hội và còn tiếp tục phát triển tính cách riêng của mình.

Dựa trên sự sắp xếp niên đại con người, độ tuổi từ 65 tới 74 được gọi là già-trẻ (young-old), khoảng từ 75 đến 84 gọi là đã khá già và già nhất là sau 85 tuổi. Thế nhưng, những nhà chuyên môn khác lại sắp xếp tuổi già con người theo bệnh lý học dựa trên vai trò khả năng của họ trong cuộc sống hàng ngày và mức độ xử lý công việc của họ. Thí dụ, có người ở tuổi 76 vẫn còn khỏe mạnh và minh mấn hơn người ở tuổi 68 vì những hoạt động xã hội, rèn luyện tích cực cơ thể, đạt được tinh thần thoải mái đem lại sức khỏe ổn định. Nhìn chung, những người trên 85 đều phải đối diện với những vấn đề suy yếu sức khỏe hay những bệnh lý khác nhau từ ảnh hưởng môi trường sống khác nhau.

Tuổi Già Thành Công
Trong thực tế, việc duy trì sức khỏe cho bản thân tùy thuộc rất nhiều vào tính cách cá nhân và sở thích riêng của từng người trong môi trường sống của họ. Khi qua 65 tuổi, con người cảm thấy hài lòng với hiện tại trong vai trò quan trọng của gia đình, quan tâm đến việc giáo dục, kế thừa của con cháu, duy trì vài mối quan hệ xã hội, tham gia hoạt động cộng đồng, cảm thấy ý nghĩa cuộc sống, có rõ ràng mục đích riêng đã lựa chọn để hoàn thành mỹ mãn. Những người này được liệt kê vào nhóm Tuổi Già Thành Công. Bởi vì, với sức khỏe về thể chất được duy trì tốt, họ có khả năng nhận biết giá trị cuộc sống, biết lựa chọn mục đích và tiếp tục làm việc ích lợi cho hệ thống xã hội. Hoàn thành được những điều mong muốn, chắc chắn tinh thần họ cũng đạt được sự thoải mái vui khỏe và tuổi già không còn là vấn đề âu lo hay sợ hãi.

Tuy nhiên, khi nói đến tuổi già có lẽ mọi người đều nghĩ đến những mất mát hơn là những gì đã đạt được trong cuộc sống gia đình và xã hội. Từ các kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy rằng, những hài lòng về vật chất của cải hay tiền bạc có được ở tuổi già thường tạo ra sự thỏa mãn cao hơn so với những hài lòng khác. Tuy vậy, sự chung thủy hay những đầu tư vào tình cảm bền lâu trong các mối quan hệ vẫn là nền tảng của mọi sự hài lòng, vì nó giúp giảm thểu sự cô đơn trong giai đoạn lão hoá, góp phần tích cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất của người già. Vì thế, tất cả những điều hài lòng và vui khỏe trong tinh thần có thể giúp con người sống thọ lâu hơn.

Ký ức quá khứ
Ký ức hay sự gợi nhớ trong tinh thần về những điều xãy ra trong quá khứ là một trong những nhân tố đáng kể giúp cho tinh thần con người duy trì được sức khỏe tích cực cho cơ thể. Nhớ về những gì đã xãy ra trong quá khứ và những bài học kinh nghiệm trãi qua, đối với tuổi trẻ là những kinh nghiệm quý báu trên con đường phát triển phía trước cho tương lai, nhưng đối với người lớn tuổi thường là những sự hối tiếc của bản thân và đôi khi cũng là những niềm ray rức đáng buồn không thể quên. Do thế trong xã hội phơng Tây, việc gợi nhớ ký ức đẹp hay kỉ niệm vui đang trở thành một trong những phương cách chữa trị hiệu quả cho rất nhiều người lớn tuổi mang nặng tinh thần ưu tư buồn chán và những người bệnh suy yếu tâm thần.

Lý thuyết duy trì sức khỏe
Theo nghiên cứu của lý thuyết hoạt động tích cực, những người lớn tuổi có thể duy trì sức khoẻ tinh thần lẫn thể chất bằng cách tham gia nhiều vào những hoạt động xã hội. Sự tham gia công sức vào nhiều vai trò hoạt động khác nhau sẽ giúp cho họ cảm thấy vẫn còn mang lại ích lợi cho đời, từ đó tạo sự thoải mái trong tâm hồn con người. Sức khỏe về thể chất bên ngoài lẫn bên trong tâm lý của họ được duy trì ở mức độ hài hoà tương tác với các hoạt động xã hội tham gia thường xuyên là cách rèn luyện hữu ích cho con người ở giai đoạn lão hóa.

Ngược lại, cũng có thuyết tương phản cho rằng, những người lớn tuổi khỏe mạnh là những người tự do đã ly khai với xã hội phức tạp, họ đã rời xa thế giới ồn ào tranh đua, đã rũ bỏ các hoạt động bận rộn, là những thứ gây phiền toái trong suốt những năm tháng tuổi trẻ lao động mệt mỏi của họ. Do đó, nên dành thời gian hưởng thụ an nhàn khi đã về hưu.

Mong muốn sống thọ
Ngày nay, con người sống thọ hơn người xưa và mọi người ai cũng đều mong muốn kéo dài tuổi thọ hơn cho mình. Ở Úc, trung bình đàn ông sống thọ khoảng 67 tuổi và đàn bà thọ khoảng 72 tuổi. Ở các nước nghèo như Châu Phi, con người chỉ thọ khoảng 40 tuổi là trung bình vì ảnh hưởng quá nhiều đến sự nghèo nàn kinh tế và các căn bệnh khó chữa.

Thêm nữa, những nguyên nhân dẫn đến cái chết có thể thay đổi tùy theo rấtt nhiều hoàn cảnh đất nước khác nhau. Ở những nước giàu có, trường hợp trẻ sơ sinh chết là do những yếu tố bẩm sinh và những ca sinh đẻ phức tạp. Trẻ con chết trong giai đoạn đến trường thường do tai nạn môi trường; thanh niên chết phần đông là do tai nạn giao thông và những tai nạn liên quan tự tử hay cố sát và những trường hợp khác liên quan bệnh tim và ung thư. Người trưởng thành và tuổi trung niên chết thông thường do các chứng bệnh khó chữa trị như ung thư và bệnh máu huyết hay tim mạch. Những người từ độ tuổi trên 65 thường chết do tai biến mạch máu não, ung thư và tim.

ĐỐI DIỆN VỚI CÁI CHẾT

Con người được sinh ra thì phải có lúc chết đi và mọi con người khi đến tuổi già đều phải chết tức chấm dứt cuộc sống. Thế nhưng, cái chết lại đến không theo 1 quy trình nào cả và mang nhiều ý nghĩa khác nhau trong từng mọi lứa tuổi. Trong giới chuyên môn của nhiều ngành khác nhau có nhiều cách phân loại khác nhau, nhưng tựu trung thành ba loại chết:

·      Chết Lâm Sàng – Là cái chết của con người sau khi tim ngừng đập, là hơi thở tắt đi và não bộ đã kết thúc làm việc. Trong khoảng thời gian này, việc cấp cứu vẫn có thể duy trì cố gắng tối đa để giúp lấy lại cuộc sống cho người đã chết.
·      Chết Não – Là miêu tả tình trạng con người không còn sự phản xạ hay trả lời lại đối với những tác động mạnh bên ngoài và ngay cả đối với máy hoạt động điện đồ không còn tín hiệu cho thấy não làm việc lại nữa. Tuy nhiên, hơi thở vẫn có thể nhìn thấy trong tình trạng này nếu giây thần kinh não vẫn còn nguyên. Thông thường Não chết xãy ra trong khoảng từ 8 đến 10 phút của cái chết lâm sàng. Nếu người chưa chết thật sự trong tình trạng này, thì não sẽ bị tổn thương một cách tự nhiên vì não đã mất nguồn oxy nuôi dưỡng.
·      Chết Xã Hội – Là cách diễn tả cái chết mang ý nghĩa tâm lý xã hội gắn liền với từng văn hoá khác nhau trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau. Xã hội văn hoá nào cũng đều có những miêu tả kinh nghiệm riêng về cái chết, bao gồm cả ý nghĩa về cái chết, về cách chôn cất thi thể người chết và cách thể hiện tình cảm đối với người chết. Khuynh hướng trong xã hội tây phương là phủ nhận cái chết, họ giao quyền quản lý cho nhà thương hay nhà quàng mai táng lo liệu cho người chết, chứ không phải xem như là một kinh nghiệm đau thương chia sẻ của một gia đình hay dòng họ riêng.

Định nghĩa Chết trong y học
Vào năm 1968, trường Y học Havard tại Mỹ đã định nghĩa cái Chết là sự mất đi toàn bộ vai trò hoạt động của não không thể đảo ngược lại được. Toàn bộ não là bao gồm từ thần kinh trung ương cao nhất của não liên quan đến thần kinh suy nghĩ cho đến thần kinh thấp nhất trong não là hơi thở và sự tiêu hoá nằm trong hệ thống cơ bản duy trì sự sống con người. Vì thế, cái chết phải thoả mãn những điều kiện chánh yếu như sau:
·      Hoàn toàn không phản ứng khi bị tác động bên ngoài, gồm cả phần đang bị thương tích.
·      Hoàn toàn không di động trong suốt 1 giờ đồng hồ.
·      Không hơi thở trong vòng 3 phút sau khi rút máy trợ thở oxy.
·      Không phản ứng nào trên cơ thể, ngay cả 1 nháy mắt hay co giựt trước ánh đèn.
·      Không còn tín hiệu nào trên các máy đo cơ thể bằng điện, thí dụ máy dò tâm đồ.
Những trường hợp khác cần phải chú ý, nếu có những nguyên nhân liên quan việc té xĩu hay bất tĩnh, hay chích thuốc quá liều hay nhiệt độ cơ thể xuống quá thấp. Có trường hợp đặc biệt, người hôn mê quá lâu trong thời gian dài có thể cả hàng tháng hay cả năm, vì hơi thở và não bộ của họ vẫn còn tiếp tục hoạt động. Do vậy, ngày nay có rất nhiều tranh cãi về định nghĩa cái Chết với những bằng chứng đưa ra khác với định nghĩa của trường y học Harvard.

Giai đoạn hấp hối
Con người khi đến giai đoạn gần kề cái chết thường rơi vào 1 trong 5 giai đoạn tinh thần:
1.    Phủ nhận và cách ly – Là giai đoạn bình thường trong tình trạng hấp hối, thường đi đôi với những cú sốc mạnh và mất lòng tin. Họ luôn tìm kiếm thêm phương cách chẩn đoán khác theo mong muốn, nghĩ ngợi tất cả là những sai lầm, tìm kiếm thêm sự bảo vệ từ sự tín ngưỡng.
2.    Tức giận – Là tình trạng khó khăn nhất, với tinh thần sự giận dữ không đồng tình với mọi thứ xung quanh. Họ tự hỏi “Tại sao là tôi chứ ?” khi nghĩ đến sự bất công so với người khác đang sống.
3.    Mặc cả – Đây là giai đoạn với nhiều cảm giác rối loạn thiên về tâm linh. Con người cố gắng trao đổi hay mặc cả với các vị thần linh tôn giáo van xin và hứa hẹn sẽ làm những điều tốt đẹp hơn nếu được sống sót.
4.    Trầm tư u uất – Là khoảng thời gian con người mang nhiều tâm tư tình cảm với nhiều suy nghĩ sâu xa về mất mát, tội lỗi, hối tiếc hay xấu hổ lẫn lộn. Họ tự đối diện với nhiều mất mát bao gồm cả vật chất tiền bạc, tình cảm, công việc và các mối tình thân khiến cho họ càng trở nên u uất đau buồn nhiều hơn.
5.    Chấp nhận – Là giai đoạn cuối cùng sau khi trao đổi với những người khác. Họ chấp nhận sự thật vì cảm thấy cuộc chiến đã tàn và chuẩn bị yên nghĩ nơi miền đất mới.

Khi hấp hối hay cần kề cái chết con người thường nghĩ đến những cái mất mát hay những gì họ chưa làm được trong cảm giác hối tiếc và cách phản xạ của mỗi cá nhân luôn khác nhau tùy vào tính cách riêng và kinh nghiệm từng trãi của họ trong cuộc sống. Những suy nghĩ đánh giá về cái Còn và Mất trong suốt quãng đời trôi qua đối với họ bổng nhiên rất rõ ràng. Sự hài lòng hay sám hối đều lần lượt hiện ra trong ký ức với gương mặt của những người thân cận liên quan và lúc họ muốn nói lời xin lỗi hay cám ơn và nhắn nhủ lúc chia tay cuối cùng. Hơn hẳn mọi thứ còn lại, trong giờ phút cuối này, sự hiện diện của tất cả những người yêu thương bên cạnh người đang đang hấp hối là niềm vui sướng hạnh phúc nhất trong cuộc đời của họ....

Lời kết, cuộc sống của một đời người rất ngắn ngũi và khi vượt qua được tuổi 65 thì xem như là thọ.  Để duy trì có được cuộc sống tuổi thọ lâu hơn, con người cần phải biết quan tâm chăm sóc cho bản thân, không những trong cách ăn uống dinh dưỡng và luyện tập cơ thể thường xuyên, mà còn phải rèn luyện tâm tánh giữ tinh thần thoải mái vui vẻ và nên phòng tránh những trường hợp tiêu cực có thể xãy ra ảnh hưởng đến cảm giác của bản thân và những phiền toái khác cho người chung quanh. 

Tâm Duyên 
Nguồn: ACAP

No comments:

Post a Comment

Rất Cám Ơn quý vị đã đồng hành chia sẻ.

Tâm Đạo

Đọc thêm - Other blogs

Tư Vấn - Counselling Form