ĐỐI VỚI BẢN THÂN
Trên suốt con đường đi của cuộc sống, bạn chính là người cầm lái con tàu bản thân của bạn và bạn biết rõ tất cả những gì đã xãy ra trên đoạn đường đi qua. Khi gặp những khó khăn hay trắc trở thì chính bạn là người biết rõ nguyên nhân, thấy rõ quá trình diễn tiến cũng như những ảnh hưởng và kết quả liên quan. Quan trọng hơn hết, bạn hiểu được điểm xuất phát của con tàu bạn chính là những suy nghĩ mong muốn dẫn đến hành động của bạn chứ không phải do ai khác sai khiến hay dẫn đường. Khi có những cảm giác buồn bực hay tức giận với ai đó hay bất cứ những gì trong cuộc sống, thì đó là kết quả của con tàu bản thân bạn đang có những trục trặc cần nên được chỉnh sửa...
Thay đổi hay sửa chữa
Chỉ có một con đường hiệu quả nhất giúp bạn lèo lái con tàu quay trở lại đúng hướng, đó là sự tự thay đổi chính mình, chứ không phải tìm cách làm sao cho công việc hay cuộc sống của người khác phải thay đổi theo ý mình. Không ai có thể thay đổi được người khác hay thay đổi lại những gì đã xãy ra....
Muốn vậy, bạn phải biết tự quan sát hay tự kiểm soát lại tất cả những gì trong suy nghĩ, quan điểm và tính cách của mình trong mọi tình huống, mọi lúc, mọi nơi với tất cả mọi người, hầu tìm ra những ưu điểm hay khuyết điểm để phát huy hay sửa chữa. Từ đó, bạn sẽ nhận ra được cái cần thiết và thiếu hay đủ cho bản thân mình để học hỏi thêm và chỉnh sửa lại theo mục đích đã chọn. Quan trọng nhất, là không bao giờ đổ lỗi cho bất cứ ai hay bất cứ nguyên do nào khác, nếu xãy ra những điều không như ý muốn.
Đổ lỗi
Hành động đổ lỗi về những kết quả sai trái do suy nghĩ và hành động từ bản thân gây ra thường rất dễ nói hay dễ làm, hơn là tự chịu trách nhiệm về mình. Tuy nhiên, khi đổ lỗi cho người khác hay tìm cách thanh minh biện bạch cho những lầm lỗi của mình, thì bản thân sẽ không bao giờ hiểu rõ lỗi vi phạm cũng như không bao giờ biết sữa chữa lỗi lầm. Điều này có nghĩa là bạn đã tự chối bỏ giá trị bản thân của mình, nhận lãnh vai trò thụ động của một nạn nhân, tiếp tục nuôi dưỡng sự sai trái để lỗi lầm nối tiếp nhau và trở thành thói quen xấu gây ảnh hưởng cho gia đình và xã hội.
Tự hạn chế
Tất cả mọi suy nghĩ và hành động của con người trong cuộc sống thường ngày nếu không được tâm thức kiểm soát hay gạn lọc, gây ra những phiền não cho tâm trí hay bất lợi cho thể lực bản thân, thì chắc chắn đó là những thói quen xấu cần sửa chữa.
Khi lầm lẫn sai trái và đổ lỗi cho người khác hay nguyên do khác thì chính bạn đã tự xây một bức tường cản trở bản thân, tự hạn chế tiếp xúc với những gì khác tốt đẹp hơn, tự ngăn chận cơ hội học hỏi và tự từ chối phát triển. Có nghĩa là bên trong bức tường của bạn, không gì khác hơn là những suy nghĩ và hành động theo thói quen xấu, bạn chỉ nhìn thấy bản thân mình, được ví như những con ếch nằm đáy giếng, với những kiến thức và kết quả kinh nghiệm hạn chế không thể có thêm hơn được nữa.
Thí dụ
1. Trong một lớp học English cho những người mới định cư đến Úc, cô giáo hỏi một học sinh Việt tại sao không làm bài, anh ta trả lời rằng:
“ Vì tôi quá bận rộn không có thì giờ để làm...”
Cô giáo bảo:
“ Ở đây tất cả mọi người đều bận rộn không chỉ có riêng anh, Anh phải có trách nhiệm với việc của anh và tôi không muốn biết những nguyên do khác.....”
Từ đó, anh ta hiểu ra được rằng, nếu lúc nào cũng đổ lỗi cho việc khác để không hoàn thành trách nhiệm của mình, thì suốt đời cũng sẽ chẳng bao giờ hoàn thành được trách nhiệm của mình trong bất cứ công việc nào khác.....
2. Trong một cuộc thi về Luật đi đường để lấy bằng lái xe hơi, sau khi trả lời tất cả các câu hỏi thì bạn tôi được người kiểm tra cho biết kết quả “không đạt” và phải thi lại trong một ngày khác. Anh ta liền áp dụng chiêu bài VN để năn nỉ, vì không muốn thi nữa sợ phải đóng lệ phí tốn tiền... nghĩ thế anh ta nói:
“I just failed only two questions, meaning 2 of 30...please let me pass this time”
Người kiểm tra tỏ vẻ ngạc nhiên:
“What do you mean ? This time you failed so you do it again next time...”
Một người khác thấy vậy liền giục anh ta đi về:
“Đúng rồi, thôi đi về học lại rồi mai mốt thi tiếp, ở đây không phải VN đâu mà năn nỉ....”
Từ đó về sau người bạn của tôi học được một bài học hay từ người Úc về việc giãi quyết vấn đề dựa trên lý trí và luật lệ đúng nơi đúng chỗ, dù những việc rất nhỏ trong đời thường.....
3. Trong một gia đình nọ, có hai vợ chồng suốt ngày cải vã từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn khiến không khí trong nhà không bao giờ vui. Thấy vậy bạn bè ai cũng khuyên mỗi người nên nhường một chút nhưng không ai nghe ai... Người chồng than phiền đổ lỗi cho cô vợ bướng bỉnh, muốn cô ta phải thay đổi tánh tình lại. Người vợ buồn bực đổ hết tội cho ông chồng khó tánh, không biết chìu vợ, chuyện gì cũng xen vào, ngăn cấm...
Sau hơn mười năm chung sống, người vợ quá chán nãn không còn chịu đựng được nữa nên không thèm nói cũng còn không than phiền gì, lúc nào cũng lặng thinh mặc cho người chồng muốn làm gì thì làm, nói gì thì nói....Lâu dần, người chồng tự dưng cũng thay đổi tánh tình, bớt cào nhào khó tính, chuyện gì cũng hỏi ý kiến của vợ trước khi quyết định...
Những người quen cũng nhận ra những thay đổi trong cuộc sống của họ, không còn cãi vã nữa, lúc nào cũng bàn bạc ý kiến với nhau để đi đến hài lòng cho nhau, nếu không vừa ý thì mỗi bên sẽ đưa ra quan điểm của mình và phải phân tích sao cho nghe hợp lý thì mới xong....
Từ đó, hai vợ chồng hiểu ra được rằng, trong cuộc sống gia đình phải có sự thương yêu và hiểu biết là quan trọng nhất, sau đó sẽ phát sinh sự tôn trọng và trách nhiệm lẫn nhau. Khi có thể thông cảm và nhường nhịn cho nhau được thì không có việc gì là không giãi quyết được và hạnh phúc chỉ trong tầm tay........
Tâm CôCô
Tháng 6-2012