Là đạo trong tâm, đạo của những quy tắc, đạo của đức
Trời dạy con người cư xử và hành động sao cho hợp tình hợp
lý, vẹn tròn nhân nghĩa và thuận ứng theo lẽ Trời Đất.
Thiên Địa Nhân
Từ ngàn xưa các bậc thánh, hiền nhân đã nghĩ đến Nhơn đạo trên
quy tắc Tam Tài – Thiên Địa Nhân, trên có Trời, dưới có Đất và chính
giữa là con người. Họ đã chỉ ra được một quy tắc cho con người tuân
theo giúp dẫn đến việc phát triển nhân cách đạo đức trong mọi khuôn phép của vạn
vật tự nhiên thích hợp với đất trời..
“Nhất nhơn chi tâm,
tức thiên địa chi tâm
Nhất vật chi lý, tức
vạn vật chi lý “
Sống giữa đất trời, Tâm của mỗi con người sinh ra đã mang cái tâm đức
của Trời Đất, được hình thành và sống trong thế giới thiên nhiên của
vũ trụ bao la, được cho trí óc để suy nghĩ dẫn đến lời nói và hành
động thuận ứng lý Trời. Trong đó, cái lý của mỗi vật hay trong mỗi
người cũng tương quan với lý của Đất hay vạn vật thiên nhiên, trong 1 vòng
có sinh có tử và tất cả đều mang hai trạng thái đối nghịch lẫn nhau
bổ sung cho nhau để cùng nhau biến hóa và phát triển.
Con người cùng với vạn vật sinh, thành, suy, hủy trong hệ
thống luân chuyển đó, biến hóa và phát triển tiếp nối không ngừng. Mỗi
con người là một tiểu vũ trụ trong một đại vũ trụ bao la, có liên
quan ảnh hưởng với nhau rất mật thiết. Nói cách khác, mỗi một con
người có một quy trình sinh, lão, bệnh, tử (life pattern) rất tương tự với qui trình sinh ra, hình thành, phát
triển và hủy diệt của thiên nhiên (nature pattern). Con người sống trong thế giới dương luôn biến
chuyển thay đổi không ngừng có đúng có sai và khi chết đi trở về thế
giới âm bất biến yên tĩnh, xương cốt tan rã trở thành cát bụi trở
về thiên nhiên.
Trong hệ thống phát triển đó, nếu con người hay bất cứ điều gì
trong thiên nhiên biến chuyển thái quá vượt ra khỏi giới hạn của quy
luật thì sẽ bị tiêu diệt nhanh chóng hơn. Nói cách khác, khi con
người suy nghĩ và hành động theo mục đích có lợi cho bản thân mà
bất chấp đạo làm người, không hiểu đạo Trời Đất, thì tất nhiên sẽ
phải trả giá tương xứng cho những gì đã gây ra. Khi những sai trái xuất
hiện quá nhanh, quá lớn vượt khỏi phạm vi quân bình thì cũng là lúc
bị hủy diệt bằng chính cái sai trái của nó. Tương tự, trong đạo
Phật người ta hay nói đến luật Nhân Quả “gieo gì gặt nấy” hoặc trong đời sống người tây phương cũng
thường hay nói đến luật bù trừ “You’ll
receive what you give” or “You’ll be
what you eat”.....
Nhơn đạo ngày nay
Con người ngày nay đã và đang học theo đời sống văn minh Tây phương chạy
theo vật chất xa hoa, nhiều người dường như đã trở nên xa lạ với
những gì thuộc đạo đức con người, về lễ nghĩa tôn sư trọng đạo, về sự
kính trọng hiếu thảo cha mẹ và tín nghĩa trong quan hệ với nhau.
“Tiên học Lễ, hậu học Văn”
Một quy tắc bất dịch truyền từ ngàn đời cho mọi người ngay từ
khi bước chân đầu tiên vào nhà trường, ngày nay cũng bị vài người
lợi dụng mĩa mai không thích hợp chỉ vì mục đích thương hiệu hóa cá
nhân. Ngay cả thuyết đạo đức của Khổng Tử cũng có người cười chê không
còn phù hợp với cuộc sống ngày nay nữa.
Thuyết đạo đức của Khổng tử
Thuyết Khổng Tử xuất phát từ Trung Quốc, được mọi người biết
nhiều nhất như là một nền móng của Nhơn đaọ, đã đúc kết ra nguyên
tắc đạo đức cho con người, đã tạo lập trật tự kỹ cương cho xã hội, tạo
dựng phép tắc từ trên xuống dưới, từ gia đình ra xã hội, giúp kẻ
dưới kính trọng người trên, giúp mọi người học tập noi gương bậc
hiền nhân và đã giúp biết bao thế hệ phát triển trong việc giữ tròn
đạo làm người phù hợp với đạo lý Trời Đất.
Thuyết đạo đức của Khổng Tử dựa trên Ngũ thường, là 5 cái thường
tình của con người phải có trong đời sống. Trong các mối quan hệ
giữa người với người, từ gia đình, công việc đến xã hội, phải luôn
biết giữ đạo trọn vẹn không để rối loạn và càng không nên khinh xuất:
Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí –
Tín
Khổng Tử đã nêu lên Ngũ luân, 5 mối quan hệ chủ yếu trong mọi sinh hoạt từ gia đình ra đến chính trị và an sinh xã hội, Quân-Thần (vua tôi), Phụ-Tử (cha
con), Phu-Thê (vợ chồng),
Huynh-Đệ (anh em) và Bạn- Bè.
Nhân: là cái Thiện vốn dĩ tồn tại trong mỗi con người. Đạo đức dựa trên lòng nhân,
lòng vị tha hay tấm lòng con người trong mối quan hệ với người khác. Sống
mà đối đãi với nhau bằng lòng nhân thì có lẽ sẽ không có luật pháp, vì
mọi chuyện luôn được “Dĩ hoà vi quý”. Khổng Tử đơn giản rằng, để sống có nhân và
sống hài hòa với mọi người thì đừng nên làm những gì mà ta không muốn người
khác làm cho mình.
Lễ: là những qui tắc, là việc nên làm dựa trên nghi
thức tập quán, là sự tôn trọng hòa nhã người người với nhau. Trong xã hội con người còn phải tuân theo qui
luật xã hội và luật pháp, đó là những qui tắc nghiêm minh dành cho hành động sai trái. Bên cạnh đó còn phải biết cúng tế đối với Trời Đất Thánh
Thần, những gì thuộc qui phạm đạo đức con người là thuận ứng theo
lòng Trời ý Đất, là biết phân biệt việc nào nên làm, việc nào không nên
làm.
Nghĩa: thường đi đôi với Lễ, là các yêu cầu phải có trong
việc đối nhân xử thế hàng ngày, những hành xử đúng đắn trong 5 mối quan hệ đã nêu. Người cư xử theo lễ nghĩa thường dựa trên lý trí thích hợp với đạo đức con người. Thí dụ,
khi làm lễ thành hôn, phu thê phải lạy cha mẹ 2 bên để cám ơn sự sinh
thành dưỡng dục và giao bái nhau để nói lên sự kính trọng lẫn nhau
trong hôn nhân. Thí dụ khác, khi cha mẹ chết người con phải để tang 3
năm, hầu tưởg nhớ đến công cha nghĩa mẹ nuôi dưỡng trong 3 năm đầu ở tuổi
sơ sinh chưa biết gì.....
Trí: có được bộ óc khôn ngoan sáng suốt để nhận
biết và hiểu được những điều đúng sai, biết suy nghĩ tính toán để hành động
sao cho hợp với đạo lý làm người. Để được như vậy, con người phải luôn
trao dồi trí tuệ, tích lũy kiến thức, học hỏi thêm những điều hay
lẽ phải, tránh được những sai trái cám dỗ, giúp mình giúp người mưu
cầu hạnh phúc.
Tín: là lòng thành tín, giữ
đúng lời hứa, là người đáng tin cậy. Tín là thước đo phản ánh nhân cách con
người trong các mối quan hệ qua lại với nhau. Khi suy nghĩ và hành động theo lòng thành tín, giữ đúng lời hứa hay làm theo
lời nói thì mọi việc thông suốt, thuận theo ý Trời thì sẽ được Trời giúp sức, giúp người thì sẽ được
người giúp, “Hựu giả trợ dã”....quả không sai.
Trong cuộc sống dù ở hoàn cảnh nào, thế
giới phát triển văn minh đến đâu con người cũng đều cần thiết thể
hiện nhân cách và đạo đức trong tất cả các mối quan hệ qua lại. Những
gì thái quá hay đi ngược lại đạo lý thì sẽ bị hủy hoại. Cũng như
trong một gia đình hay ngoài xã hội không có tôn ti trật tự, pháp luật
không nghiêm, con người coi thường Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí,Tín, thì trước
sau gì cũng loạn động đi đến diệt vong. Vì thế, sống với Nhơn đạo
là giữ trọn đạo làm người, xem Ngũ thường làm nền tảng cho mọi thế
hệ thì chắc chắn sẽ được tồn tại và phát triển lâu bền...