Friday, 4 May 2012

ĐÚNG và SAI
Trong suốt cuộc đời mỗi người, ai cũng muốn làm những điều đúng để có được một cuộc sống vui vẻ và tốt đẹp cho bản thân cũng như cho gia đình. Ngay từ thuở nhỏ, trẻ con đã được giáo dục về những cái đúng và sai với những điều được và không được, phân biệt rõ ràng như giấy trắng mực đen. Đến khi khôn lớn, trãi qua nhiều kinh nghiệm từ cuộc sống, người ta lại trở nên lẫn lộn không còn nhận ra được rõ giữa đúng và sai nữa, cũng không còn nhận ra trắng hay đen, mà tất cả chỉ còn là màu xám nhạt hay xám đậm khác nhau dưới ánh mắt của mỗi người.
Đúng Sai là gì ?
Đúng có thể hiểu như những gì thuộc chân lý, đạo lý hay cái tốt đẹp để cho mọi người sống noi theo và Sai là những điều xấu xa đen tối nên tránh bỏ. Sự định nghĩa rõ ràng về Đúng hay Sai xuất phát từ những nguyên lý chung trong tri thức con người được truyền từ thế hệ này sang thế hệ kế, thay đổi dần theo khuynh hướng tiến triển của từng thời đại và ảnh hưởng từ những yếu tố khác thuộc văn hóa, tập tục, lễ nghi, giáo dục, xã hội, khoa học...vv...
Khi tuổi đời tăng theo thời gian, mỗi người sẽ có phần tư duy khác nhau khi xem xét sự đúng sai trong vấn đề và thường lẫn lộn trắng đen khi kết hợp cả tình và lý. Tất cả những sự đánh giá đó lại tùy thuộc rất nhiều vào cảm xúc, tư tưởng, mối quan hệ, trình độ kiến thức và kinh nghiệm sống của mỗi con người. Nói cách khác, họ luôn bị chi phối bởi tâm của họ.
Tâm chi phối
Sự chi phối trong tâm mỗi người lại phụ thuộc vào sự cao thấp của Tâm Sở và Tâm Thức. Một người có Tâm Sở cao thì họ luôn dùng cảm tính hay cảm giác để phán đoán đúng sai và thường không lý giãi được rõ ràng. Ngược lại, người có Tâm Thức cao thường suy nghĩ theo tính logic dựa trên lý trí nên phân tích vấn đề rõ ràng hơn.
Vì thế, có biết bao suy nghĩ và hành động mà chính người thực hiện không hiểu rõ bản thân họ đang muốn gì. Có người biết điều sai quấy mà vẫn làm, hay có người biết chuyện đúng mà không làm, hay có người không làm được những gì họ nói và lắm lúc lời nói lại không đi đôi với hành động...Hơn nữa, có khi người ta nói sai làm sai nhưng lại được nhiều người khác khen ngợi thích thú ? Và cũng có lúc, người ta làm đúng nói đúng nhưng lại có người chỉ trích không nghe ?
Đúng Sai ở đâu ?
Đúng Sai tuy đối nghịch nhau về mặt hình thức nhưng bản chất tựu trung xuất phát từ một khối tự nhiên của vạn vật, cùng nhau sinh diệt để tiến hóa, không có ranh giới rõ ràng và chỉ là một mà thôi. Đúng Sai chỉ thật sự rõ ràng trong chính tâm của mỗi người khi nhận biết và phân biệt cái tự nhiên đó. Đúng Sai dù xung khắc lẫn nhau nhưng bổ sung cho nhau trong khuôn khổ tự nhiên của mọi việc. Nếu không có Sai thì không biết được đâu là Đúng hay ngược lại cũng nhờ biết Đúng mà tránh Sai. Nếu con người cùng giúp nhau nhận ra điều sai lầm để sữa chữa lại cho đúng, thì chắc chắn cả thế giới sẽ tiến bộ nhanh chóng và ai cũng tìm thấy hạnh phúc.
Chân lý không thuộc về sự khen ngợi hay chỉ trích, không thuộc vào số đông, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt giàu nghèo hay quyền lực cao thấp.. Người nhận thức đúng là người biết học hỏi, biết lắng nghe, có kỷ luật, thấu hiểu chính chắn, nói năng cẩn thận và hành động có trách nhiệm. Động lực của họ trong mọi hoạt động luôn xuất phát từ tâm tưởng với mục đích tốt đẹp và kết quả họ không gây ảnh hưởng, hệ lụy hay tai hại nào cho bất cứ ai. Ngược lại, những người không hiểu biết, bị mê muội cám dỗ và trong mọi mục đích hoạt động họ luôn đặt lợi ích cá nhân của họ lên hàng đầu, đều là những người có tâm sai trái.
Đúng Sai hoà hợp
Mặc dù mang ý nghĩa trái ngược nhưng trong mọi vấn đề hai mặt Đúng Sai luôn luôn hiện hữu, dung hoà lẫn nhau, bổ túc cho nhau và liên kết nhau rất chặt chẽ. Vì thế, từ nhiều khía cạnh của một vấn đề có người nhìn ra Đúng nhưng có người lại thấy Sai. Đúng Sai đã ẩn chứa trong nhau và lẫn lộn trong mọi sự việc, mọi thời đại, biến hóa không ngừng theo sự phát triển của con người.
Thật vậy, cả hai luôn luôn đóng vai trò tương xung và tương sinh lẫn nhau. Khi cái Sai bắt đầu phát sinh và gây ra tác hại, thì cùng lúc cái Đúng xuất hiện để kiềm chế và sữa chữa. Cái Đúng không phát sinh trước cái Sai, vì cái Sai là nền tảng sinh ra cái Đúng. Nếu trong mọi việc chỉ thấy Đúng thì sẽ không có sự phát triển, bởi vì chính cái Sai được cái Đúng sữa chữa nên mọi việc được phát triển tôt hơn, giúp con người văn minh hơn.
Riêng trong tâm con người cũng thế, nếu bản thân chỉ nhìn thấy cái đúng của mình mà không nhìn thấy cái sai của mình, hoặc là khi nghe người khác nói điều gì ngược lại với quan điểm của mình hay vạch ra cái sai của minh, thì bắt đầu nổi giận hay lên giọng, bịt mắt bịt tai không muốn nghe, không cần hiểu và tiến tới xung đột....Cứ như thế, bản thân sẽ không bao giờ tiến bộ xa hơn được. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tự hạn chế khả năng học hỏi, tự kiềm hãm sự phát triền tri thức và tự giết chết Tâm Thức của mình.
Thí dụ
Nói dối là xấu”. Cha mẹ thường dạy con trẻ phải biết thật thà trung thực và trẻ con cũng hiểu rõ nói dối là điều sai trái. Thế mà trong cuộc sống mổi ngày, chính những người làm cha mẹ lại có những lời nói và hành động không trung thực....
Một buổi chiều, Cha đi làm về, nhìn thấy nhà cửa sạch sẽ liền hỏi:
“Hôm nay ai lau dọn nhà cửa sạch sẽ thế này ?
Mẹ trả lời ngay: 
“Dì Út đấy.“ – Đứa con gái nhỏ nghe vậy, ngơ ngác nhìn mẹ không hiểu gì, rõ ràng lúc trưa em thấy mẹ lau chùi nhà cửa đấy chứ, dì Út có làm gì đâu ?
Dì Út là em của mẹ. Ngày thường, cha hay khắt khe bảo mẹ không nên nuông chìu em út quá đáng và nên dạy cho dì nấu nướng hay dọn dẹp nhà cửa. Đây không phải lần đầu, cứ mỗi lần cha khen ngợi điều gì trong nhà thì mẹ liền nói đó là dì Út làm. Có lúc, em hỏi mẹ:
“Tại sao mẹ bảo với cha rằng dì Út làm những gì do chính mẹ đã làm ?”
Mẹ trả lời:
“Tại vì mẹ không muốn cha con phàn nàn hay chê bai dì Út vụng về, tội nghiệp dì...”.
Sau đó, em thấy mẹ kể cho người bạn nghe về việc này và họ đã khen mẹ là người vợ khéo léo. Em đã suy nghĩ rất nhiều, em biết mẹ rất thương dì Út vì hai chị em sống chung nhau từ thuở nhỏ. Mẹ nói dối để đem hoà khí chung cho gia đình, mục đích để bảo vệ em gái. Nhìn chung, không gây ảnh hưởng gì cho ai, nhưng mẹ đã từng dạy em “nói dối là xấu” đó sao ? Nói dối là nói dối, xấu là xấu. Nếu cha biết được sự thật thì sẽ ra sao ? Chuyện gì sẽ xãy ra ? Dù chuyện nhỏ, nhưng cha có còn tin mẹ nữa hay không ? Dì Út được gì và mất gì từ sự nói dối của mẹ ? Còn đối với em, nên tin và nghe lời mẹ dạy nữa không ? Mẹ nói dối được thì em cũng sẽ nói dối được, cho xong việc...??
Ai đúng ? Ai sai ?
Cuối cùng
Nếu chân lý của cuộc sống là trung hoà cả hai lẽ thuận và nghịch, thì tâm con người phải luôn trong sáng, cân bằng hai mặt Tâm Sở và Tâm Thức để hiểu rõ được Đúng Sai trong mọi vấn đề của cuộc sống. Phải biết trao dồi thêm kiến thức, học tập những điều hay lẽ phải, để nâng cao Tâm Thức, để biết tự kiểm soát suy nghĩ và hành động của mình, để không bị mê muội, không bị vọng tưởng chi phối và để tránh được những hệ lụy hay phiền toái cho bản thân cũng như cho người khác. Khi tâm trong sáng thì sẽ an tịnh, chắc chắn sẽ phân biệt rõ ràng đúng sai trong mọi sự việc, tháo gỡ được khó khăn nhanh chóng và sẽ có được hạnh phúc trong cuộc sống.....
CôCô
Tháng năm 2012

Đọc thêm - Other blogs

Tư Vấn - Counselling Form