Trước tiên, bạn đã có kinh nghiệm về những trường hợp nào trong quá khứ đã dễ gây cho bạn cảm xúc mạnh mẽ dẫn đến tức giận không kiềm chế được. Bạn nên ghi chép lại những thái độ, cử chỉ, lời nói và hành động của bạn thế nào trong khi tức giận. Bạn có thể hiểu được nguyên nhân chính nào khiến cho bạn có phản ứng mạnh mẽ như vậy và những suy nghĩ gì đã làm cho cơn tức giận bùng lên mạnh mẽ. Kết quả sau cùng, sự việc đã được giãi quyết ra sao và ảnh hưởng thế nào trong mối liên hệ của bạn với những người liên quan.
Khi bạn đã hiểu rõ tính cách của mình, nhận ra những trường hợp thường gây cho bạn phản ứng mạnh mẽ, cùng với những nguyên nhân khiến cho bạn bộc phát cưn tức giận, thì bạn cũng có thể tránh được những sự tức giận như vậy trong tương lai hay ít ra bạn cũng có thể biết được cách làm thế nào để kiềm chế hay giảm bớt ảnh hưởng sự tức giận trong các mối quan hệ của bạn. Sau đây là những cách để cho bạn tham khảo:
· Thay đổi cách suy nghĩ khi tức giận
Muốn thay đổi cách suy nghĩ, bạn phải tự đặt cho mình mục đích tại sao phải thay đổi, sau đó là phương pháp và tiếp đến là thực hành và rèn luyện. Trước hết, bạn phải biết tập lắng nghe bản thân thường suy nghĩ gì và muốn gì khi gặp những trường hợp đối nghịch. Bạn nên tự hỏi và phân tích lại những suy nghĩ đó có phù hợp, có lý lẽ, có mang tính thuyết phục hay không và tại sao. Những điểm nào cần thay đổi và điểm nào nên phát huy để bạn có thể trở nên nhạy bén hơn trong suy nghĩ . Khi suy nghĩ của bạn được kiểm soát chặt chẽ thì tự nhiên sự tức giận thái quá cũng sẽ được kiềm chế trong một khuôn khổ thích hợp với tình thế xãy ra.
· Hiểu rõ cảm xúc
Tức giận là một thói quen bình thường của cảm xúc khi bất bình. Nhưng khi để cho những cảm xúc khác làm chất xúc tác thổi bùng thêm ngọn lửa tức giận thì sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Vì thế, bạn phải biết hết những cảm xúc của minh trong mỗi trường hợp nhạy cảm. Muốn vậy, bạn phải lắng nghe những cảm xúc của mình mỗi ngày và ghi chép xuống những buồn, vui, giận, hờn hay bực tức cùng với những nguyên nhân của nó. Thêm nữa, bạn cũng nên chia sẽ những cảm xúc đó với người thân yêu của mình. Bạn nên ghi nhận lại những điều gì làm cho bạn vui và những nguyên nhân nào khiến bạn buồn giận, để bạn có thể đánh giá và hiểu rõ cảm xúc của mình, từ đó bạn nên tạo thêm cơ hội giảm thiểu những ưu buồn và tăng cường thêm những niềm vui.
· Kiềm chế cảm xúc khi gặp đối nghịch
Khi đã có thể kiểm soát cảm xúc của mình, thì bạn nên đặt cho mình một nguyên tắc, làm thế nào để kiềm chế sự tức giận thái quá khi gặp những đối nghịch trong ý kiến hay thái độ cư xử của người khác. Thí dụ, trong một cuộc thảo luận sôi nổi, nguyên tắc trước tiên bạn nên tuân giữ đó là giữ sự bình tĩnh hay thản nhiên và im lặng. Chỉ nên lắng nghe kỹ những ý kiến của người khác nói, suy nghĩ theo tính logic của vấn đề và trả lời sao cho thích hợp với cảm xúc và quan điểm của mình. Quan trọng nhất vẫn là cách phát biểu ý kiến mang tính xây dựng, nên tránh những câu nói mang tính chống đối, quy chụp, bình luận đúng sai hay khiêu khích phản bác lẫn nhau.
· Thời gian
Khi những bàn cãi đi đến cao trào không thể kiểm soát được, bạn nên nghĩ đến thời gian, tìm cách cho mọi thứ tạm ngưng lại, để tinh thần thể xác có thể lắng đọng lại và giúp cho suy nghĩ rõ ràng hơn. Nên xem xét tìm cách giải quyết thích hợp mang tính xây dựng cho mọi người. Nếu cần thiết, nên dời lại một ngày khác để giảm bớt căng thẳng và giúp tính khí mọi người dịu bớt lại và có thêm thời gian hơn để suy nghĩ kỹ lưỡng.
· Kiểm soát sự căng thẳng
Khi trong tình trạng căng thẳng, có người thường rất nhạy cảm khiến cơn tức giận bộc phát mạnh mẽ, nhưng cũng có người chịu đựng thêm khiến họ càng căng thẳng hơn. Nói chung, nếu bạn biết kiểm soát được sự căng thẳng của mình thì việc kiềm chế tức giận sẽ dễ dàng hơn. Có nhiều phương pháp giúp giảm bớt căng thẳng. Đơn giản nhất là hít sâu thở mạnh, thả lỏng cảm xúc, suy nghĩ đơn giản và uống một ly nước lạnh. Sau đó, tập Yoga hay ngồi thiền định cũng là những phương pháp hữu ích giúp cơ thể và đầu óc nhẹ nhàng hơn. Ăn uống điều hoà, nghĩ ngơi đúng lúc và ngũ đủ cũng góp phần vào việc giúp giảm bớt những trạng thái căng thẳng.
Nói tóm lại, bằng những thay đổi cần thiết trong cách suy nghĩ và cảm xúc hàng ngày bạn sẽ kiểm soát được tính khí riêng của mình, giảm bớt được khuyết điểm, phát huy các ưu điểm, không tức giận thái quá, giữ các mối quan hệ tốt bền lâu và tìm thấy đời sống của bạn vui hơn, có ý nghĩa hơn.
CHÚC BẠN THÀNH CÔNG
No comments:
Post a Comment
Rất Cám Ơn quý vị đã đồng hành chia sẻ.
Tâm Đạo