Sunday, 22 April 2012

KIỀM CHẾ CƠN TỨC GIẬN

 LÀM THẾ NÀO ?

Trước tiên, bạn đã có kinh nghiệm về những trường hợp nào trong quá khứ đã dễ gây cho bạn cảm xúc mạnh mẽ dẫn đến tức giận không kiềm chế được. Bạn nên ghi chép lại những thái độ, cử chỉ, lời nói và hành động của bạn thế nào trong khi tức giận. Bạn có thể hiểu được nguyên nhân chính nào khiến cho bạn có phản ứng mạnh mẽ như vậy và những suy nghĩ gì đã làm cho cơn tức giận bùng lên mạnh mẽ. Kết quả sau cùng, sự việc đã được giãi quyết ra sao và ảnh hưởng thế nào trong mối liên hệ của bạn với những người liên quan.

Khi bạn đã hiểu rõ tính cách của mình, nhận ra những trường hợp thường gây cho bạn phản ứng mạnh mẽ, cùng với những nguyên nhân khiến cho bạn bộc phát cưn tức giận, thì bạn cũng có thể tránh được những sự tức giận như vậy trong tương lai hay ít ra bạn cũng có thể biết được cách làm thế nào để kiềm chế hay giảm bớt ảnh hưởng sự tức giận trong các mối quan hệ của bạn. Sau đây là những cách để cho bạn tham khảo:

·      Thay đổi cách suy nghĩ khi tức giận
Muốn thay đổi cách suy nghĩ, bạn phải tự đặt cho mình mục đích tại sao phải thay đổi, sau đó là phương pháp và tiếp đến là thực hành và rèn luyện. Trước hết, bạn phải biết tập lắng nghe bản thân thường suy nghĩ gì và muốn gì khi gặp những trường hợp đối nghịch. Bạn nên tự hỏi và phân tích lại những suy nghĩ đó có phù hợp, có lý lẽ, có mang tính thuyết phục hay không và tại sao. Những điểm nào cần thay đổi và điểm nào nên phát huy để bạn có thể trở nên nhạy bén hơn trong suy nghĩ . Khi suy nghĩ của bạn được kiểm soát chặt chẽ thì tự nhiên sự tức giận thái quá cũng sẽ được kiềm chế trong một khuôn khổ thích hợp với tình thế xãy ra.

·      Hiểu rõ cảm xúc
Tức giận là một thói quen bình thường của cảm xúc khi bất bình. Nhưng khi để cho những cảm xúc khác làm chất xúc tác thổi bùng thêm ngọn lửa tức giận thì sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Vì thế, bạn phải biết hết những cảm xúc của minh trong mỗi trường hợp nhạy cảm. Muốn vậy, bạn phải lắng nghe những cảm xúc của mình mỗi ngày và ghi chép xuống những buồn, vui, giận, hờn hay bực tức cùng với những nguyên nhân của nó. Thêm nữa, bạn cũng nên chia sẽ những cảm xúc đó với người thân yêu của mình.  Bạn nên ghi nhận lại những điều gì làm cho bạn vui và những nguyên nhân nào khiến bạn buồn giận, để bạn có thể đánh giá và hiểu rõ cảm xúc của mình, từ đó bạn nên tạo thêm cơ hội giảm thiểu những ưu buồn và tăng cường thêm những niềm vui.

·      Kiềm chế cảm xúc khi gặp đối nghịch
Khi đã có thể kiểm soát cảm xúc của mình, thì bạn nên đặt cho mình một nguyên tắc, làm thế nào để kiềm chế sự tức giận thái quá khi gặp những đối nghịch trong ý kiến hay thái độ cư xử của người khác.  Thí dụ, trong một cuộc thảo luận sôi nổi, nguyên tắc trước tiên bạn nên tuân giữ đó là giữ sự bình tĩnh hay thản nhiên và im lặng. Chỉ nên lắng nghe kỹ những ý kiến của người khác nói, suy nghĩ theo tính logic của vấn đề và trả lời sao cho thích hợp với cảm xúc và quan điểm của mình. Quan trọng nhất vẫn là cách phát biểu ý kiến mang tính xây dựng, nên tránh những câu nói mang tính chống đối, quy chụp, bình luận đúng sai hay khiêu khích phản bác lẫn nhau.  

·      Thời gian
Khi những bàn cãi đi đến cao trào không thể kiểm soát được, bạn nên nghĩ đến thời gian, tìm cách cho mọi thứ tạm ngưng lại, để tinh thần thể xác có thể lắng đọng lại và giúp cho suy nghĩ rõ ràng hơn. Nên xem xét tìm cách giải quyết thích hợp mang tính xây dựng cho mọi người. Nếu cần thiết, nên dời lại một ngày khác để giảm bớt căng thẳng và giúp tính khí mọi người dịu bớt lại và có thêm thời gian hơn để suy nghĩ kỹ lưỡng.

·      Kiểm soát sự căng thẳng
Khi trong tình trạng căng thẳng, có người thường rất nhạy cảm khiến cơn tức giận bộc phát mạnh mẽ, nhưng cũng có người chịu đựng thêm khiến họ càng căng thẳng hơn. Nói chung, nếu bạn biết kiểm soát được sự căng thẳng của mình thì việc kiềm chế tức giận sẽ dễ dàng hơn. Có nhiều phương pháp giúp giảm bớt căng thẳng. Đơn giản nhất là hít sâu thở mạnh, thả lỏng cảm xúc, suy nghĩ đơn giản và uống một ly nước lạnh. Sau đó, tập Yoga hay ngồi thiền định cũng là những phương pháp hữu ích giúp cơ thể và đầu óc nhẹ nhàng hơn. Ăn uống điều hoà, nghĩ ngơi đúng lúc và ngũ đủ cũng góp phần vào việc giúp giảm bớt những trạng thái căng thẳng.

Nói tóm lại, bằng những thay đổi cần thiết trong cách suy nghĩ và cảm xúc hàng ngày bạn sẽ kiểm soát được tính khí riêng của mình, giảm bớt được khuyết điểm, phát huy các ưu điểm, không tức giận thái quá, giữ các mối quan hệ tốt bền lâu và tìm thấy đời sống của bạn vui hơn, có ý nghĩa hơn.

CHÚC BẠN THÀNH  CÔNG

SỰ TỨC GIẬN

Hay còn gọi là SÂN

Tức giận là sự biểu hiện ra bên ngoài của con người một cảm xúc mạnh mẻ khi không vừa ý. Con người có vô số cách để biểu lộ thái độ tức giận, tuy chưa bàn đến sự biểu hiện thái độ nào tốt hay xấu và có lợi dụng thái quá hay không, nhưng nếu không hiểu rõ và biết kiềm chế tính cách bản thân của mình sao cho thích hợp với tình thế, thì chắc chắn sự tức giận đó sẽ phá hoại mối quan hệ của mình đối với những người liên quan, hỏng sự việc và gây hậu quả hối tiếc không thể hàn gắn được. 

Tại sao tức giận ?

Khi không vừa lòng hay trái ý về vấn đề nào đó với ai, thì thái độ tức giận của mỗi người được thể hiện ra bên ngoài hoàn toàn khác nhau tùy theo tính cách cá nhân, mối quan hệ liên quan, trình độ kiến thức và kinh nghiệm, của mỗi người khác nhau.

Thái độ tức giận khác nhau của con người xuất phát từ các nguyên nhân chính như sau:

·         Bản năng tự nhiên trong cá tính cá nhân

Xuất phát từ di tryền và thay đổi dần theo môi trường sống chung quanh. Tuy nhiên, không phải cha mẹ biểu lộ tức giận thế nào thì con cái cũng sẽ tức giận giống như thế ấy. Hầu hết những đặc điểm rõ nét về cá tính con người thừơng được hình thành từ gien di truyền của cha mẹ. Khi còn nhỏ, sự tức giận của trẻ con sẽ biểu lộ tùy theo cá tính di truyền đó và đến khi trưởng thành sự biều lộ tức giận sẽ thay đổi khác hơn, vì do ảnh hưởng của các điều kiện trong môi trường sống và tiếp xúc với người khác.

·         Ảnh hưởng tính cách của người khác

Con người thường rất dễ ảnh hưởng lẫn nhau nếu có thời gian dài sống, học tập hay làm việc gần gũi gần nhau.
Thí dụ điển hình nhất, trẻ con thường thấy hay chứng kiến những sự bất hoà, cãi vã hay các biểu hiện giận dữ từ giọng nói và thái độ của cha mẹ đối với nhau hay với con cái. Tất cả những hình ảnh đó trẻ con sẽ ghi nhớ và học lại như là những biểu hiện đương nhiên của con người khi tức giận.  Khi lớn lên, thái độ tức giận đối với người khác hay người phối ngẫu của họ sẽ được biểu hiện lập lại y như vậy.

·         Tư tưởng và Quan điểm bị chi phối 

Do ảnh hưởng lý thuyết hay lý tưởng của các nhóm hay đoàn thể chính trị, tôn giáo hay đảng phái xã hội nào đó mà những thành viên tham gia sẽ tự hình thành tư tưởng hay quan điểm của mình dựa theo những thuyết đó như những đạo lý của họ.

Tuy nhiên, nếu những nguyên tắc của các đoàn thể đó mang những ước muốn hay tư tưởng móp méo, ảo tưởng, xa xôi không có thật và những thành viên không đủ kiến thức phân biệt sự logic, rất dễ bị ảnh hưởng và tuân thủ trung thành, cho đến khi họ gặp những quan điểm khác đi ngược lại quan điểm của họ thì sự tức giận sẽ bộc phát mạnh mẽ.

·         Thói quen trong Giao tiếp và Xử sự thường ngày  

Nói chung những thói quen hàng ngày của con người là những hành động thiếu kiểm soát chặt chẽ từ ý thức và luôn mang tính cách thỏa mãn từ trong vô thức mà ra.

Trong khi giao tiếp với người khác, sự tức giận sẽ dễ trổi dậy nhất là do không hiểu rõ nhau. Nguyên nhân chính là không ai chịu lắng nghe ai, ai cũng có bảo vệ ý kiến của mình và nhất là không nhìn thấy rõ điểm chính yếu của vấn đề. Thêm nữa, một khi đưa vào lời bình luận phủ định, muốn chứng tỏ mình đúng người kia sai hay không biểu hiện sự tôn trọng với nhau thì sự tức giận sẽ dâng trào và cuối cùng kết quả của mối quan hệ đó sẽ tồi tệ hơn.

Nói tóm lại, những thái độ, lời nói và cách cư xử không thích hợp đối với người khác trong cơn tức giận là điều rất quan trọng cần nên quan tâm, vì nó sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc gây cho các mối quan hệ tình cảm cũng như công việc bị bế tắc, có khi không thể hàn gắn được.

Vì thế, phải biết tự kiềm chế bản thân, phải hiểu rõ tính cách của mình,  biết ưu khuyết điểm nào cần thay đổi hay phát huy, phải biết nguyên nhân của những sự tức giận thường dẫn đến, và quan trọng hơn hết đó là mục đích của sự tức giận, cuối cùng sẽ được gì và mất gì.  Từ đó, mỗi người có thể tự rèn luyện tính cách bản thân sao cho thích hợp mỗi khi tức giận....

Wednesday, 11 April 2012

Nuôi Dưỡng Tâm Đạo

Mười Điều Thực Hành:

1.   Hoạch định cho mục đích sống -   Life Goal Setting

Hãy tự hoạch định và ghi chép lên giấy những gì mình muốn thực hiện cho hiện tại và tương lai ? Tự hỏi mình bằng những câu hỏi đại loại như:

-     Mục đích Sống để làm gì ? Lý tưởng thế nào ?
-     Giá trị cuộc sống của ta ra sao ? Ngoài bản thân có thể dành cho ai ? Tại sao ?
-     Cảm nhận cuộc sống của mình, sống thừa, sống chán hay sống vô vị ?
-     Những ưu và khuyết điểm của bản thân mà ta quan tâm ?
-     Cuộc sống hiện tại đã mang lại Được gì và Mất gì?
-     Có cuộc sống cho cộng đồng xã hội hay không ? Tại sao ?
-     Những ước mơ gì cho tương lai ?
-     Cố gắng và nổ lực ra sao để thực hiện ước mơ ?....v.v...

Sau khi tìm được câu trả lời thích đáng, bạn có thể đã tự lập cho mình một kim chỉ nam dẫn đường tiến bước lên phía trước, thực hiện được những điều mình mong muốn cho cuộc sống gia đình, xã hội và tương lai.

2 Học Tập – Tự Phát Triển  - Learning & Self-Developping  
  • Không ngừng trao dồi tri thức, học hỏi những điều hay và mới lạ trong mọi lãnh vực
  • Làm việc siêng năng bằng cả trí óc minh mẫn và thể lực khỏe của mình
  • Biết lắng nghe người khác và không phân biệt địa vị, trình độ, giàu nghèo....vv
  • Thể hiện sự tôn trọng bản thân cũng như với người khác trong mọi hoàn cảnh
  • Biết tiết kiệm và quý thời gian của mình và của người khác
  • Không lãng phí vật chất, tiền bạc, thời gian, sức lực và trí óc trong mọi hoàn cảnh
Được vậy, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn trong mọi hướng đi. Khi gặp khó khăn, cản trở hay thất bại bạn sẽ được người yêu thương giúp đỡ và nhờ thế bạn sẽ tự biết đứng lên, học hỏi kinh nghiệm để có thể tiếp tục bước đi con đường của mình.

3.  Nuôi Dưỡng Tâm ThứcSelf-Rationalizing

Cuộc sống con người ngắn ngũi và thời gian trôi rất nhanh, những gì chúng ta học hỏi được, biết được và hiểu được chỉ là những hạt cát trong sa mạc mênh mông. Những điều hôm nay ta cảm thấy hài lòng hay tự đắc có thể sẽ mang lại thành công sau này, nhưng cũng có thể gây hối tiếc trong tương lai. Những điều chúng ta không chắc chắc được hôm nay là vì chưa học đến nơi hiểu đến chốn, vì tâm thức chưa vững dễ bị lôi cuốn hay ảnh hưởng bởi những lợi ích trước mắt mà quên đi hậu quả lâu dài. Vì thế, không bao giờ để sai lầm nối tiếp sai lầm từ trong quá khứ đến tương lai mà phải nên học cách rút kinh nghiệm từ những sai lầm ban đầu.

Nguyên tắc cơ bản để có được tâm thức vững vàng là phải nên rèn luyện và thực tập trong mỗi hoạt động hàng ngày, biết tự kiểm soát bản thân, suy nghĩ logic, dựa vào tri thức hiểu biết là những điều có học hỏi và luôn thận trọng kỹ lưỡng từ những lời nói đến cách hành xử sao cho tránh được những kết quả gây sai phạm cho mình cũng như cho người khác.

4.   Kiểm Soát Bản Thân – Self-Controlling

Giữ được tinh thần thoải mái là đã chiến thắng được chính mình. Muốn vậy, phải luôn biết tự kiểm soát mọi suy nghĩ, hành động và thái độ của mình trong mọi hoạt động giao tiếp với người khác, ngay cả với người thân hay bạn bè để luôn giữ hoà khí tươi vui.
  • Không nghĩ đến điều gian trá hay xấu xa để hại người mang lợi ích cho bản thân
  • Không đam mê hay chạy theo những ảo vọng ngoài khả năng, xa xôi không có thật
  • Không mê muội tửu sắc, bài bạc, rượu chè và thói quen xấu ảnh hưởng người khác
  • Suy nghĩ cẩn thận, tránh những hành xử có thể gây tổn thương cho người
  • Không gây bất hoà hay giỡn chơi vô lối ngược lại mong muốn của người khá
  • Giữ tinh thần và thái độ thoải mái, hoà nhã và vui vẻ
  • Ăn uống vệ sinh và điều độ
  • Nghĩ ngơi đúng lúc và thể dục thường xuyê
  • Dứt khoát giải quyết những lo lắng thưc tế hay khó khăn
  • Không để tâm vào những bất an hay phiền muộn mà bản thân không thể giải quyết được
5.  Thành Tâm & Trách Nhiệm - Being Honest & Responsible

Trong các mối quan hệ với người trong gia đình cũng như ngoài xã hội, không nên phân biệt đối xử dựa vào chức vị, giàu nghèo hay trình độ tri thức cao thấp cuả người. Tất cả suy nghĩ và hành xử đều phải dựa theo đạo lý làm người, lấy Nhân Nghĩa làm trọng hầu tránh đi sự bất thông hay bất đồng trong mối quan hệ đó. Trong mọi hoàn cảnh luôn luôn đối đãi bằng:
  • Thực tâm và Thẳng thắn
  • Không tính toán vụ lợi cho cá nhâ
  • Không mưu mô dối trá, lường gạt
  • Không dấu diếm che đậy hay đồng loã với những việc gian dối...
  • Luôn suy xét bằng sự sáng suốt, hiểu được điều gì nên và không nên làm
  • Bình tâm lắng nghe ý người, quan tâm cảm xúc và tôn trọng ý kiến người khác
Nếu vô tình gây ra những sai phạm hối tiếc làm tổn thương người khác, phải nên mạnh dạn nhận lấy trách nhiệm để giãi quyết vấn đề. Tự nhận trách nhiệm là cách rút kinh nghiệm hữu hiệu nhất trong việc học hỏi sai lầm để cải tiến bản thân và việc làm. Được vậy, không những sẽ tránh được sai lầm tái diễn trong tương lai, tránh được những hối tiếc nặng nề hơn mà còn nâng cao giá trị nhân cách của bản thân.

6.  Thông Cảm & Tha Thứ  -  Sympathyzing & Forgiving

Con người luôn có những quan điểm trái ngược nhau, do thế thông cảm là cách hành xử đúng đắn trong khi giao tiếp với người. Nhờ có thông cảm chúng ta có thể “Vĩ hoà di quý” duy trì được mối quan hệ bền lâu cùng với yêu thương và kính trọng lẫn nhau. Tuy nhiên, sự thông cảm phải dựa trên tính logic của từng sự việc, nếu không sẽ dễ bị lợi dụng và tự biến thành nạn nhân của những rắc rối. 

Trong cuộc sống ai cũng có thể gây rắc rối, lỗi lầm tổn thương đến người khác và bản thân ta cũng không ngoại lệ. Khi gặp sai phạm của người đối với ta, đối đáp bằng khoan dung tha thứ cho họ tức sẽ giúp họ có cơ hội học hỏi kinh nghiệm và thay đổi tốt hơn trong tương lai. Hãy tự đặt bản thân mình vào hoàn cảnh tương tự, đôi lúc chính bạn cũng sẽ nhận được sự tha thứ khi vô tình gây ra lỗi lầm... 

Thông Cảm và Tha Thứ là thói quen tốt trong mọi quan hệ cũng như khi giãi quyết lỗi lầm với người, hầu xây dựng được mối quan hệ người với người sống để hiểu và cảm thông nhau.
 
7.  Yêu Thương & Giúp Đỡ - Loving & Helping People

Xã hội là một khối tập thể, trong đó mọi người đều cần đến nhau, cần chia sẽ, giúp đỡ và học hỏi lẫn nhau để cùng nhau tồn tại và phát triển. Nếu cảm nhận được tình yêu đồng loại con người sống vì nhân nghĩa để tồn tại, bạn sẽ yêu người khác như yêu chính bản thân mình.

Thật vậy, giúp người là tự giúp mình, nhất là với những người thiếu may mắn hơn ta. Khi giúp người tức san sẻ gánh nặng và mang ích lợi cho người, ta sẽ tự cảm nhận được cuộc sống của mình có ý nghĩa, vì học hỏi thêm được những điều tương thân tương ái trong cuộc sống cộng đồng. Tuy nhiên, giúp người vì lợi ích vật chất tiền bạc hay bất cứ mục đích xấu nào cho cá nhân hay vì người khác, cũng đều phải suy xét thật kỹ lưỡng để tránh tai họa hay thiệt hại cho xã hội nói chung.

8.  Chấp Nhận & Vui sốngAccepting & Enjoying Life

Cuộc sống đương nhiên đầy chông gai khó khăn, khổ ải, không ai là không biết đau khổ. Song, nếu không biết chấp nhận để đương đầu và chiến thắng đau khổ thì con người sẽ triền miên thống khổ.  Những điều trong cuộc sống tất cả buồn, vui, đau khổ không thể nào tự nhiên đến và tự nhiên đi được. Mức độ của những cảm nhận đó hay cảm xúc đó đều không dựa vào một thước đo chuẩn nào, mà là do chính bản thân mỗi người tự nhận thấy.  Vì thế, chấp nhận, đương đầu, thay đổi hay trốn tránh khỏi cái khổ đều nằm trong bàn tay lựa chọn và quyết định của chính bản thân ta, chứ không ai khác.

Tuy rằng việc Sanh, Lão, Bệnh, Tử là điều không thể tránh khỏi, nhưng thế hệ này tiếp nối thế hệ khác, con người đã tranh thủ cuộc sống để trao dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, nghiên cứu, phát huy trí tuệ và ngày càng tạo thêm nhiều tiến bộ trong khoa học, giúp loài người ngày càng phát triển văn minh hơn.

9.   Dinh dưỡng & Luyện tập -  Diet Nourishing & Exercices 

    Ăn uống nghĩ ngơi hàng ngày là hoạt động hết sức quan trọng cho mỗi người và là nhân tố quyết định vào cuộc sống vui khỏe về tinh thần lẫn thể chất. Việc ăn uống cần phải được quan tâm chặt chẽ sao cho cơ thể được nuôi dưỡng đủ chất để duy trì sức khỏe sống lâu, ngăn ngừa những loại bệnh khó chữa trị. Chế độ ăn uống dinh dưỡng mang tính chất quyết định rất nhiều. Chất dinh dưỡng có mặt hầu hết trong các loại rau cũ quả tươi xanh và ngũ cốc, nên tránh ăn thịt quá nhiều dẫn đến dư thừa mỡ và protein. Mỗi người nên tự tìm hiểu thêm về các chất tự nhiên có trong thức ăn hàng ngày để thích hợp cho cơ thể và khẩu vị của mình. Ngũ sớm và thức dậy sớm mỗi ngày luôn tạo cho cơ thể thoải mái khỏe mạnh và giúp chống lão hóa hữu hiệu nhất.

   Bên cạnh đó, việc luyện tập thể dục cơ thể phải thường xuyên mỗi sáng tùy theo cơ thể, sở thích và lứa tuổi sao cho phù hợp tốt. Những ngày cuối tuần cũng nên chơi thể thao để cơ thể thêm trẻ trung và cường tráng. Cơ thể khỏe mạnh sẽ giúp cho tinh thần sáng suốt hơn...

10.   Giữ Thanh Tịnh / Thiền - Self-Harmonizing / Meditating 

Đây là điều gian nan khó khăn nhất của con người trong cuộc sống. Không phải thấy được, nói được thì ai làm cũng được.  Trong Tâm con người ai cũng mang hai thứ Tâm Sở và Tâm Thức, là hai nhân tố chính thuộc cảm xúc và lý trí. Trong đó, Tâm Sở luôn chiếm thế thượng phong ở mức hơn 90%. Vì thế,Tâm luôn động loạn theo thời trạng của con người là điều rất tự nhiên.

Giữ cho tâm thanh tịnh, tức là biến hoá 90% của Tâm Sở trở thành mức trung dung, bão hoà với Tâm Thức. Muốn vậy, phải Thiền tâm, rèn luyện Tâm Thức trao dồi thêm kiến thức và thực hiện được 9 điều Nuôi Dưỡng Tâm đạo trên. Khi hiểu và nhận thấy được cuộc sống tươi đẹp thì việc thực hành Thiền giữ cho tâm tịnh không bị xáo trộn sẽ rất dễ dàng.

Phật ở ngay trong Tâm mỗi người chứ không đâu xa xôi. Tâm của mỗi người luôn tồn tại những đấng cứu thế khác nhau do tôn giáo, dù Thượng Đế, Phật Tổ Như Lai, Quan Thế Âm Bồ Tát hay Chúa Jesus cũng đều cùng chung qui luật cơ bản, tiếp thêm sức mạnh niềm tin cho con người trong những lúc khó khăn, giúp người vượt qua khổ ải nhất thời..

Vì vậy, cứ mỗi ngày hay bất cứ lúc nào ai cũng đều có thể tụng niệm với đấng cứu thế của mình, thì sẽ thấy cuộc sống của bạn tươi vui và nhẹ nhàng hơn..

Tâm Duyên. CôCô
Bổ sung  10.04.2014 
Created:  10.04.2012

Đọc thêm - Other blogs

Tư Vấn - Counselling Form