Saturday, 26 September 2020

LUYỆN TỈNH TÂM – Mindfulness

Đọc một bài báo viết về Chánh Niệm, tôi được biết thiền sư Thích Nhất Hạnh có nói rằng, một trong những con đường dẫn đến phiền não ưu tư của con người trong cuộc sống ngày nay chính là họ không biết và cũng không nhìn thấy nguyên do của nổi đau của họ, họ chỉ chạy theo vật chất bên ngoài, họ tìm thú vui trong mua sắm và mong cầu hạnh phúc trong những vật chất, tiền tài và danh vọng. Vì thế, ông khuyên mọi người nên buông xả những thứ có thể buông xả, giãi quyết phiền muộn bằng cách tìm và gieo hạt giống tích cực, để thấu hiểu bản thân mình hơn bằng con đường Chánh Niệm, tức tập Thiền để rèn luyện sự tập trung hơn, thấu hiểu mình hơn và để đạt được hạnh phúc thật sự. Vì hạnh phúc cũng như mọi thứ xung quanh con người chúng ta, đều “Vô Thường(GHPGVN, 22/5/19). Có nghĩa là, mọi thứ trên đời này đều đến rồi đi, cuộc sống mỗi người cũng vậy, có sanh có tử. Hạnh phúc cũng không ngoại lệ, có đó rồi sẽ mất thôi. 

Vì vậy, muốn xây dựng hạnh phúc dài lâu và vững bền, chúng ta cần rèn luyện và nuôi dưỡng. Vì không một thứ gì có thể tồn tại nếu không quan tâm sâu sắc, không dưỡng nuôi chu toàn. Giống như một cây hoa, không phân không nước, không được quan tâm chăm sóc thì chắc chắn cây hoa đó sẽ không thể ra hoa cũng sẽ sớm phai tàn. Hạnh phúc cũng vậy, không được tạo dựng, không được gìn giữ và chăm sóc thì không bao giờ tồn tại.

Hạnh phúc là gì ? Làm thế nào để nuôi dưỡng lâu bền ?

Trong bài này viết về luyện Tỉnh Tâm, thì hạnh phúc xuất phát từ tâm tỉnh và tâm tịnh, nên định nghĩa về hạnh phúc sẽ do chính người có tâm tỉnh lựa chọn và quyết định, hạnh phúc chính là thành quả của việc luyện Tỉnh Tâm.

Trong từ tiếng Anh, luyện Tỉnh Tâm chính là phương ưháp tập luyện Mindfulness nói chung. Đó là phương cách mà các nhà nghiên cứu và trị liệu tâm lý phương tây đều biết rằng một phương pháp thực hành hít thở theo nguyên tắc Thiền của Phật giáo, đã được được bác sĩ Jon Kabat-Zinn người Mỹ học hỏi, rèn luyện và cải tiến vào năm 1979 và phát triển cho đến nay để áp dụng trong ngành tâm lý và y khoa nói chung để hổ trợ điều trị cho các bệnh nhân bị các chứng bệnh rối loạn tâm thần, giúp giảm bớt áp lực đau khổ về tinh thần và thể xác cho họ.

Có thể nói phương pháp Thiền của Phật giáo là nền tảng của Mindfulness cho việc rèn luyện tâm tỉnh của bác sĩ Jon nói chung. Xuất phát từ trong thế giới của Phật giáo, Mindfulness được dịch sang tiếng Việt là Chánh Niệm, khác với hành Thiền cơ bản, thường dành cho những người tu hành là những phật tử hay các thiền sư và được phát triển thực hành rộng rãi trong đại chúng cho mục đích tu tâm dưỡng tánh qua cách thực hành Thiền lẫn Chánh Niệm. Tuy nhiên, có nhiều giáo phái Phật giáo và nguyên tắc Thiền khác nhau, được chỉ dẫn bởi những thiền sư khác nhau, rất nổi tiếng trên thế giới như ở Nhật, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Myanmar và Việt Nam, trong đó thiền sư Thích Nhất Hạnh là một điển hình với nhiều ý tưởng phù hợp cho việc trị liệu tâm lý nói chung. Sự khác nhau giữa Thiền và Chánh Niệm chính là hành động giới hạn trong thế ngồi tỉnh tâm đi sâu vào trong bản thể (Suzuki, 2007). Chánh Niệm của bác sĩ Jon là kết hợp với thiền, không phải chỉ tập trung vào hơi thở, mà còn có thể cử động, hành động, làm việc khác hay di chuyển trong lúc vẫn tập trung vào hơi thở. Rèn luyện Chánh Niệm là không cần ngồi tư thế hoa sen, nghĩa là không cần tu hành theo Phật giáo, cũng không không tu thiền, cũng không đòi hỏi thực hành thiền trong tư thế ngồi hàng giờ như những nhà tu hành khác, mà Chánh Niệm có thể thực hành ở mọi lúc mọi nơi trong mọi công việc hàng ngày, như rửa bát, đi đứng ngồi, ăn uống, nghĩ ngũ và tắm rữa vệ sinh....

Thực tế, Thiền và Chánh Niệm hay Mindfulness là những phương pháp đã được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trong ngành tâm lý trị liệu và y khoa tâm thần, đạt hiệu quả cao trong việc phục hồi sức khỏe tâm thần cho biết bao nhiêu bệnh nhân trên thế giới phương tây. Tại các nước Mỹ, Úc, Pháp, Canada nhiều trung tâm nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng Chánh Niệm được xây dựng và chuyển hoá thành nhiều thể loại khác nhau trong nhiều chương trình thực tập và phục hồi tâm lý khác nhau trong các ngành Y khoa, Tâm Lý học, Tâm Thần học và Não học.

Với tính đa dạng của nhiều chương trình trị liệu tâm lý áp dụng Chánh Niệm, nên từ ngữ tiếng Anh là Mindfulness cũng có thể được dịch sang nhiều ý nghĩa khác, không bị ràng buộc bởi tính Phật giáo. Hơn thế nữa, nguyên tắc cốt lõi của Thiền và Chánh Niệm là sự tự do thoải mái, không mong cầu gì cả, chỉ là mang lại sự tịnh tâm cho người thực hành. Do đó, để thoát ra khỏi giới hạn của Phật giáo, mindfulness có thể dịch bằng tên khác là luyện Tỉnh Tâm hay luyện Toàn Tâm để phân biệt và áp dụng riêng trong ngành tâm lý trị liệu.

Khi các nhà chuyên môn trong ngành tâm lý trị liệu phương tây nói đến Mindfulness hay luyện Tỉnh Tâm, có nghĩa là họ đang đề cập đến Mindfulness-based Stress Reduction (MBSR) và Mindfulness-based Cognitive Therapy (MBCT) của bác sĩ Jon Kabat-Jinn tại Mỹ. Và, khi nói đến Meditation hay Thiền thì họ biết rằng, cách ngồi rèn luyện trong tư thế đúng cách, tập trung vào hơi thở để giúp luyện cho đầu óc thảnh thơi nhẹ nhàng hòng quên đi phiền não trong thực tại đó. Trong nhiều chương trình dựa vào nguyên tắc cua MBSR và MBCT của bác sĩ Jon, các nhà chuyên môn đã nghiên cứu và thực hành luyện Tỉnh Tâm tương tự như thực hành Chánh Niệm của Phật tử Việt kết hợp với các luyện tập khác năng động hơn. Họ đã thử nghiệm thành công trong việc kết hợp luyện Tỉnh Tâm với các hoạt động lành mạnh và tích cực khác dành cho mọi lứa tuổi, chống lại các chứng bệnh tâm thần hay cảm xúc tiêu cực vượt qua khổ đau trở lại cuộc sống khỏe mạnh vui tươi có ý nghĩa...

Đặc biệt hơn hết, luyện Tỉnh Tâm là một trong các phương cách thực hành chánh yếu trong chương trình Tâm Tri Vấn TM của Aust-Viet Counselling and Coaching, do counsellor Phương Phan sáng lập theo phương cách trị liệu dựa trên kinh nghiệm hiệu quả của bản thân suốt trên 10 năm thực hành, chứ không phải là những lý thuyết suông theo các chương trình tâm lý trị liệu hay ứng dụng ngồi thiền. Nguyên tắc chính yếu trong chương trình Tâm Tri Vấn TM  là tính năng động và linh hoạt trong tâm vấn, thực hành Thiền và Chánh Niệm trong tư thế tự do tự tại của khách hàng hay người thực hành, do chính mỗi người tự sáng chế cho mình. Tâm Vấn chỉ là phương tiện hổ trợ giúp cho họ đạt được những gì họ mong muốn, nhằm mang lại hiệu quả thích hợp cho từng hoàn cảnh riêng của mỗi khách hàng, giúp họ vượt qua âu lo và giãi quyết vấn đề của họ một cách tốt nhất nhắm tới tương lai đầy ý nghĩa trong tinh thần sống và làm việc khỏe mạnh an nhiên.

Mọi chi tiết thắc mắc xin email cho Tâm Đạo:  tamdaoblog@gmail.com

 

References:

-      Phật Giáo (GHPGVN) 22/5/19. Thiền sư Thích Nhất Hạnh và những lời khuyên nuôi dưỡng hạnh phúc - https://phatgiao.org.vn/thien-su-thich-nhat-hanh-va-nhung-loi-khuyen-nuoi-duong-hanh-phuc-d35141.html

-      S. Suzuki (2007). Tâm Thiền Nhập Môn.


 

 

No comments:

Post a Comment

Rất Cám Ơn quý vị đã đồng hành chia sẻ.

Tâm Đạo

Đọc thêm - Other blogs

Tư Vấn - Counselling Form