Monday, 11 November 2013

Chuyện đất nước ...

Nam Hàn 
THẤY NGƯỜI MÀ NGẪM ĐẾN TA...

Trong chuyến đi đến Nam Triều Tiên (Nam Hàn) 3 tuần lễ vừa qua viếng thăm 3 thành phố khác nhau từ nhỏ đến lớn ở Daejeon, Busan và Seoul, tôi vô cùng ngạc nhiên về những sự phát triển của đất nước này, bởi vì trước đó tôi đã không mấy thiện cảm với người xứ Hàn khi nghe những câu chuyện thương tâm của những cô gái Việt lấy chồng Hàn Quốc. Ngoài những sự phát triển về vật chất và kỹ thuật hiện đại với tốc độ cao, tôi đã tìm thấy điều quan trọng hơn hết đó là tính cách của người Nam Hàn đang ở mức văn minh hài hoà. 

VÀI NÉT VỀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRIỀU TIÊN 

Triều Tiên đã tồn tại từ hơn 8000 năm trước công nguyên. Giai đoạn vua chúa phong kiến hình thành từ 1897 cho đến 1910, Triều Tiên bị Nhật xâm chiếm và cai trị gây ra biết bao đau thương đói nghèo cho dân chúng. Năm 1945, Nhật thất bại trong thế chiến II đã rút ra khỏi Triều Tiên và đất nước bị chia đôi. Từ 1950, cuộc chiến Nam-Bắc Hàn không bao giờ ngừng nghỉ cho đến 1953 hai bên đã ký hiệp ước chính thức ngăn đôi đất nước lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới. Bắc Hàn theo chế độ Cộng Sản và Nam Hàn trở thành Cộng Hoà Triều Tiên.

Kể từ đó, Chính phủ Nam Hàn đã dốc sức vào việc xây dựng đất nước phát triển không ngừng với những thành quả như:
  • 1970 – Hoàn thành tuyến xe lửa đường dài Expressway đầu tiên nối Busan – Seoul = 416km với tốc độ 100km/giờ + sử dụng speed camera
  • Tháng 9/1988 – Tổ chức Thế Vận Hội Olympic lần thứ 14 tại Seoul, là quốc gia thứ hai sau Nhật trong vùng Châu Á được đăng cai và thành công
  • 2002 – Tổ chức FIFA World Cup cùng với Nhật, là 2 nước Châu Á đầu tiên cho sự kiện này
  • 2004 – Hệ thống xe lửa cao tốc KTX ra đời và hiện nay trở thành hệ thống hiện đại với tốc độ 421km/giờ > đưa Nam Hàn thành quốc gia thứ 4 về xe lửa cao tốc sau Pháp, Nhật và Trung Quốc.
Trong khi đó tại Bắc Hàn từ 1953 đến nay, tất cả mọi thứ trong nước như đất đai, nông nghiệp, y tế, giáo dục, thực phẩm...vv. đều bị nhà nước quốc hữu hóa. Hiện nay, dưới sự lãnh đạo của gia đình trị họ Kim, 16 triệu người Bắc Hàn đang lâm vào cảnh thiếu cơm ăn áo mặc phải xin viện trợ từ Liên Hợp Quốc. Không ngừng lại ở đó, Bắc Hàn còn đang ra sức cô lập người dân, ngăn cấm mọi hình thức thông tin liên lạc bằng phone, internet, TV...ra thế giới bên ngoài kể cả Nam Hàn và trừng trị nghiêm khắc / xử tử những người bất tuân / vi phạm.


Qua đó tôi nhận ra rằng, điều quan trọng nhất trong mọi công việc xây dựng và phát triển cũng đều cần đến con người và điều cơ bản cần thiết nhất cho con người chính là tấm lòng và tri thức hiểu biết. Nhìn thấy sự phát triển cao của Nam Hàn, tôi đoán chắc nền giáo dục ở Nam Hàn đã đóng góp vai trò chủ yếu vào sự nghiệp này và chính phủ Nam Hàn là những người có tấm lòng vì dân vì nước. Bên cạnh đó, nét văn hoá đặc thù của phần đông người Nam Hàn là sống ảnh hưởng theo đạo Phật và Khổng giáo > đã giúp họ phát triển nhân cách con người thật tốt đẹp.

NHÌN VỀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA VIỆT NAM 

Việt Nam có 1 bề dày lịch sử qua nhiều giai đoạn dựng nước và giữ nước từ thời Âu Cơ là niềm tự hào dòng giống Rồng Tiên, là người Việt chắc chắn ai cũng hiểu. Hoàn cảnh Việt Nam bị ngăn đôi đất nước vào năm 1954 lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới giữa Nam và Bắc Việt. Từ đó, miền Bắc lãnh đạo dân chúng theo chế độ Cộng Sản dựa vào sự giúp đở của Liên Xô và miền Nam phát triển theo chính thể Cộng Hoà dựa vào sự tiếp tế của Mỹ. Cuộc chiến tranh tương tàn của 2 miền Nam-Bắc kéo dài đến 1975 là nguyên nhân chính gây ra đau thương và sự tàn phế cho cả đất nước. Trong hơn 20 năm không có một công trình xây dựng đáng kể nào cho cả 2 miền Nam Bắc. Đã thế, sau 1975 những hy vọng về sự thống nhất đất nước sẽ thúc đẩy Việt Nam thoát ra khỏi tăm tối nghèo nàn lạc hậu càng to lớn bao nhiêu, thì ngày nay không những sự tổn thương thêm về vật chất đang bị phá hủy từng ngày mà nổi đau tinh thần của hàng triệu con người đang tăng trưởng to lớn bấy nhiêu....


SO SÁNH NHỮNG MẪU CHUYỆN THỰC TẾ TẠI 2 ĐẤT NƯỚC

Dẫu biết rằng mọi sự so sánh đều khập khểnh, nhưng mỗi khi nhìn thấy người hay đối diện 1 vấn đề tương tự nào đó của người, tôi liền phải ngẫm nghĩ đến ta:

1.    Tại Nam Hàn

Khó khăn nhất đối với tôi khi đến Nam Hàn là ngôn ngữ. Cả 3 thành phố tôi đi qua đều gặp những người không biết tiếng Anh hay chỉ biết cơ bản những câu chào hỏi xã giao. Tuy vậy, trong mọi trường hợp người Nam Hàn luôn tỏ ra rất ân cần giúp đỡ sau những lúng túng ban đầu.
  • Một hôm, chúng tôi 2 người xuống xe lửa tại ga Seoul đón taxi về khách sạn. Tôi đưa tấm giấy của khách sạn Noble Hotel cho người tài xế đọc địa chỉ, ông ta liếc sơ rồi gật đầu nói với chúng tôi “OK”. Theo như chúng tôi biết, từ ga Seoul về khách sạn khoảng 2.5km giá taxi khoảng 6,000 Won (6 AUD), nhưng khi người tài xế taxi chở chúng tôi đi 1 quãng khá xa, liếc nhìn đồng hồ đã lên tới 15,000 Won,  tôi liền hỏi “Noble hotel ?”. Ông ta gật “OK”. Cho đến 5’ sau, ông ta ngừng ngay trước cổng ks Novotel, tôi liền la lên “No, it’s not Novotel” – Đúng lúc, người gác cổng ks mở cửa xe cho chúng tôi, tôi liền nhờ anh ta thông dịch lại cho ông tài xế mọi chuyện xãy ra... Ông tài xế tỏ vẻ buồn chán quay sang chúng tôi ra dấu X ý rằng, số tiền 16,800 Won trên đồng hồ sẽ bỏ đi và bắt đầu lại. Người gác cổng ks bảo tôi “Later you pay him 10,000 Won only”. Chúng tôi đồng ý. Sau đó taxi chở chúng tôi quay lại con đường cũ về tới Noble hotel, tôi liếc nhìn đồng hồ lần nữa, giá 12,500 Won. Tổng cộng 2 lượt đi ông ta đã chở chúng tôi gần 30,000 Won, nhưng khi xuống xe chúng tôi chỉ trả ông ta đúng 10,000 Won mà thôi. Vậy mà ông tài xế chỉ cười gượng nói “I’m sorry” và bước lên xe. Thấy thế, tôi liền chạy lại tặng thêm 2,000Won , Ông rối rít cám ơn.../ Tôi liền nghĩ ngay đến taxi Việt Nam..
  • Tại khu Yuseong Spa thành phố Daejeon, tôi đã học được tấm lòng đoàn kết của người Nam Hàn tại đây trong cộng đồng nhỏ của họ. Điều này được thấy rõ nét nhất tại công viên Yuseong Spa / Foot Bath, hồ suối nước nóng 40 độ/hot spring 100%., Công viên này được chính phủ địa phương bảo quãn cho mọi người đến đây để ngâm chân giúp giảm stress, giúp thoải mái tinh thần và chữa các bệnh về tim mạch máu huyết. Người cao niên địa phương, mỗi ngày quen biết nhau, trò chuyện, cười nói ca hát cùng nhau. Chung quanh hồ được trang bị 1 tủ đọc sách, vòi nước rửa chân sạch và ống thổi khô chân. Toàn khu vực công viên được mọi người ý thức gìn giữ rất sạch sẽ ngăn nắp, nước hồ luôn sạch trong và không khí thoáng mát. Hơn thế nữa, còn có người thiện nguyện làm massage cho mọi người miễn phí.... 
  • Tại tất cả các ga xe điện ngầm trong 3 thành phố tôi đi qua đều mang tính tự quản, sử dụng các máy bán vé, trả vé và đổi tiền, không cần có người bán vé hay soát vé tại cửa ra vào mà chỉ có 1 nhân viên ngồi trực để trả lời khi cần thiết. Có người thiện nguyện phiên dịch tiếng Anh cho khách nước ngoài.

2.    Tại Việt Nam

  • Cách đây vài năm về Việt Nam, ở phi trường Tân Sơn Nhất khi đến khu lấy hành lý, tôi giật mình vì tất cả hành lý đều nằm ngỗn ngang dưới đất chớ không phải chạy quanh trên dây chuyền tải hành lý như ở những phi trường quốc tế khác. Tôi đang lo lắng dáo dác tìm hành lý, 1 thanh niên mặc đồng phục sân bay hỏi “Chị tìm hành lý hả ? “ – Tôi trả lời “Ừ, tôi đang kiếm....à đây rồi..” Tôi vui mừng nhận ra vali cuả mình, anh ta liền xông xáo khiêng hành lý cho tôi ra khỏi đống ngỗn ngang đó. Tôi cám ơn anh ta và thầm nghĩ “Việt Nam có thay đổi tiến bộ”. Chân tôi vừa bước đi vừa đẩy hành lý, bổng tôi nghe thì thầm “Chị cho em tiền uống café nhé”. Tôi quay lại lúng túng vì không biết phải trả cho anh ta bao nhiêu...? Cuối cùng tôi đưa anh ta 200,000 VND và chị tôi đưa thêm 5 AUD . Anh ta nhanh nhẹn nắm gọn cả hai rồi chạy đi...
  • Đón taxi về tới nhà, giá ghi trên đồng hồ khoảng trên 180,000 VND, tôi đưa 200,000 VND, người tài xế tỏ vẻ ngần ngừ không muốn thối để xin luôn phần tiền còn lại...Thấy thế, tôi không biết làm cách nào hơn, đành chịu vậy.. !!
  • Đi xe bus từ chợ Bến Thành vô Xa Cảng Miền Tây chỉ có 5,000 VND, đây là điều tôi thích thú nhất vì tôi nghĩ có lẽ rẽ nhất trên thế giới. Nhưng lúc lên xe xong thì tôi không biết sẽ xuống trạm nào để đến nơi tôi muốn, bởi vì tất cả những gì tôi hỏi tài xế đều được trả lời bằng “Không biết” kèm theo ánh mắt và nụ cười giễu cợt. Khi xe gần đến Xa Cảng, tôi còn đang do dự hỏi thăm thì người tài xế ngừng xe, quát to "Xuống đi"...khiến tôi phải nhảy nhanh xuống...
  • Đi chơi Vịnh Hạ Long,  tôi không bao giờ mua được hải sản tại những nơi thả bè dọc trên vịnh vì giá cả luôn cao hơn các chợ trong Saigon và cách cân đo không bao giờ chuẩn....? !! 
  • Ra đến Hà Nội, sau khi ăn xong 1 tô phở tôi gọi cà phê uống, người bán quát tôi giọng Bắc: “Ăn xong rồi sang bên kia mà uống, ăn ra ăn, uống ra uống nhá..”  ?? 
  • Và còn rất nhiều điều tiêu cực khác đang diễn ra từng ngày, mà người dân trong nước cũng như chính quyền sở tại không hiểu rằng, chính họ đang tự bôi nhọ mình trước ánh mắt của du khách nước ngoài và đánh mất lòng tin của những người xa xứ trở về....

NHỮNG SUY NGHĨ VÀ CẢM GIÁC RIÊNG 

Thế đấy, lần nào trở về Việt Nam cũng vậy tôi luôn có cảm giác lo lắng và dè dặt. Cứ mỗi khi bước ra đường, tôi phải luôn tự kiểm tra mọi thứ, tiền bạc đem theo bao nhiêu là đủ xài, nữ trang có cần thiết đeo trên mình không, đi taxi phải biết bao nhiêu là đúng giá, đi chợ mua đồ phải biết nói chuyện thế nào..vv...Trên đường đi, dù bất cứ nơi đâu cảm giác bất an luôn làm nặng trĩu lòng tôi vì không biết điều gì sẽ xãy ra....

Lần đầu tiên đến Nam Hàn, 1 xứ sở xa lạ với ngôn ngữ là trở ngại lớn nhưng tôi chưa từng bao giờ cảm thấy bất an hay lo sợ những lừa gạt và những thái độ khiếm nhã chưa từng gặp khi đi chợ hay bất cứ nơi đâu. Không những tôi luôn cảm thấy tự do và thoải mái khi đi trên khắp mọi nẽo đường trong 3 thành phố mà còn khám phá học hỏi thêm nhiều điều mới lạ của người Nam Hàn.

Càng suy nghĩ tôi càng lại đau xót hơn khi nghĩ đến những trường hợp mua bán gái Việt qua xứ Hàn. Rõ ràng, người Nam Hàn không thể thành công trong những hành động phi pháp nếu không có sự tiếp tay của những kẻ đánh mất lương tâm trong nước. Ở đâu cũng có kẻ xấu xa, nhưng kẻ xấu sẽ không làm được gì nếu không có kẻ tiếp tay từ trong nước và càng không có cơ hội nếu luật lệ rõ ràng trừng trị thích đáng ....Đó là điều chắc chắn.

Lời kết, đúng như “Đi 1 đàng học 1 sàng khôn”, càng nhìn thấy Nam Hàn đang từng ngày phát triển thì càng thấy Việt Nam đang từng ngày tụt hậu. Là người Việt, nói tiếng Việt nhưng tôi không biết làm thế nào để diễn tả suy nghĩ của mình.  Tôi càng không thể hiểu được, những người luôn tự hào về mình, hàng ngày mọi lúc mọi nơi luôn dùng thủ đoạn đấu đá, tranh chấp lẫn nhau, cướp bóc, lường gạt người khác, đang nghĩ gì ? Tôi cũng không hiểu được, tại sao người Việt cùng 1 thứ da vàng lại không thể quan tâm giúp đỡ lẫn nhau ? Tại sao có thể chà đạp lên nhau ? Lường gạt lẫn nhau ?  Chả lẽ chỉ vì 1 thứ gọi là “đồng tiền” mà quên hết giá trị đạo đức con người ? Vậy bao nhiêu tiền tài vật chất là đủ ? để có thể dừng lại mà lo nghĩ cho cuộc sống của bá tánh ? Tôi càng không biết làm thế nào để diễn tả cho người ta hiểu được rằng, nếu mỗi cá nhân con người đều có thể ý thức được hành động của mình, giữ gìn phẩm giá, bất luận thế nào cũng không làm điều sai trái với lương tâm thì tất cả sẽ tạo nên một sức mạnh to lớn đưa đất nước tiến bộ rất nhanh chóng....


Tôi tự hỏi, cho đến bao giờ Việt Nam có thể phát triển được như Nam Hàn ngày nay ?

Tâm Duyên
Tháng 10-2013

Friday, 1 November 2013

Trung Dung là gì ?

 ĐẠO TRUNG DUNG TRONG GIA ĐÌNH


Trung Dung là thuật cân bằng giữa 2 sự tương khắc trong vũ trụ tự nhiên, đơn thuần được hiểu như là sự trung hòa giữa âm và dương, giữa nhu và cương, nóng và lạnh...v.v..

Thuật Trung Dung do Khổng Cấp tức Tử Tư là cháu nội của Khổng Tử viết ra và sau đó được học trò của ông là Mạnh Tử soạn chép lại và truyền bá khắp nơi trong nhiều thế hệ sau bên Trung Quốc.

Mục đích của Tử Tư trong đạo Trung Dung là muốn giáo hóa nhân sinh phải biết cách giữ cho ý nghĩ và việc làm luôn luôn ở mức trung hòa, không thái quá, không bất cập và phải cố gắng sống theo nguyên tắc của đạo làm người với Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, luôn giữ cho tròn thì mọi việc sẽ thành tựu như mong muốn.
PHÉP TRỊ GIA TRUNG DUNG

“Tề gia trị quốc, bình thiên hạ”

Gia đình là nền tảng cho cuộc sống, là nguồn gốc xuất phát của 1 con người, là nguồn nuôi dưỡng bảo bọc khi người còn bé, là nơi cư trú an toàn nhất cho một đời người. Do đó, để đạt thành công trong bất cứ khía cạnh nào của xã hội hay công danh sự nghiệp tương lai thì nền tảng gia đình phải được giữ gìn cho vững chắc. Muốn thế, mối quan hệ và cách cư xử của mọi người trong cùng gia đình phải dựa theo nguyên tắc của người đứng đầu gia đình đặt ra. Nguyên tắc đó phải mang tính chất hài hòa và công minh, được thế ắt sẽ được mọi thành viên trong nhà công nhận và tuân thủ noi theo.

Trong một quốc gia cũng thế, vì là 1 đại gia đình đông dân số trên một diện tích rộng lớn nên những nguyên tắc, luật lệ của người đứng đầu cần phải nghiêm và công minh lấy lợi ích của dân làm đầu trong mọi cân nhắc tính toán. Muốn được dân chúng ủng hộ tuân theo những luật lệ nguyên tắc thì những luật lệ đó phải vì dân và do dân chấp thuận đồng tình.

1.       Tính nết có định trước mới tránh được lổi lầm

Tính tình con người không thể ép buộc hợp nhau. Trong gia đình, những sự xung đột, bất hoà thường xuyên diễn ra giữa cha mẹ và con cái hay giữa anh chị em là điều không thể tránh được. Thông thường nhất, là sự trách mắng con cái của cha mẹ do không thông hiểu nhau từ hai thế hệ và những sự ganh tị trong các anh chị em. Tệ hơn nữa, có sự bất công áp đặt từ phía cha mẹ đối với con cái khi còn nhỏ khiến sanh những uất hận trong lòng cho chúng, ngay cả việc anh em tranh giành của cải thừa kế gia sản cũng là việc ngày nay xãy ra ở nhiều nơi.

Nếu nhìn từ khía cạnh tâm sinh học, mọi người trong gia đình có cùng dòng máu huyết thống nên tính tình cơ bản tương tự lẫn nhau. Nếu tính tình của họ mang tính dương+ nhiều thì dẫn tới xung đột cao và ngược lại mang tính âm- cao thì xung đột thấp. Thí dụ, nếu cha mẹ của họ là người nóng nãy thì tất cả các đứa con sẽ cùng nhau biểu lộ nóng nãy với nhau không ai muốn nghe ai dẫn đến bất hòa.

Do thế, nên hiểu rõ tính nết của bản thân mình và mọi người trong gia đình để có thể hoà hợp với nhau. Tuy không phải là điều dễ làm nhưng nếu nhận ra được bản tính của mình, suy nghĩ, động cơ nào thường dễ gây bất hòa, thì sẽ biết tự uốn nắn với cách cư xử tốt được định trước và sẽ ngăn chận được lỗi lầm ít hơn.

2.       Tôn kính người trên và ôn tồn khuyên răn trong nhà

Sự luôn kính cẩn của con đối với cha mẹ là nguyên tắc bất biến không có gì để tranh cãi. Từ thời xưa, con đối với cha mẹ như quan thần đối với vua chúa hay như tôi tớ đối với chủ không thể ngang hàng. Điều này đã khiến một số người làm cha mẹ đã không công bằng với con cái luôn áp đặt những điều họ mong muốn mà bỏ qua những gì con cái họ ước mong và gây biết bao hệ luỵ trong gia đình. Ngày nay, quan điểm trong việc kính cẩn hiếu thảo đối với cha mẹ không những là sự tôn kính trong lời nói và cách cư xử chân thành mà còn nên thể hiện sự thông cảm, thương yêu và  hiểu biết từ hai phía. Muốn có được sự tôn kính hài hoà của con, cha mẹ phải biết thể hiện trước sự tôn trọng ước muốn của con, đó chính là phương cách giáo dục thực tế và hữu hiệu nhất.

Trong cách đối xử với anh chị em trong nhà, dù vị trí của mình là anh chị hay em út cũng thế, đều nên giữ sự hài hoà bằng những lý lẽ mang tính logic, giải thích cặn kẽ, tôn trọng ý kiến người khác và tìm hiểu thực tế trong mọi vấn đề. Lấy sự nhường nhịn và kiến thức hiểu biết làm nguyên tắc để suy nghĩ và cư xử.

3.       Biết NHẪN

Nguyên tắc giữ êm ấm trong gia đình là chữ NHẪN để hòa hợp lâu dài. Nhẫn, có nghĩa là Nhịn chứ không có nghĩa là Nhục. Nhịn nhường trong gia đình để đạt được sự vui vẻ cho người trong gia đình là đem lại hạnh phúc cho mọi người. Tuy nhiên, việc nhường nhịn sẽ càng trở nên phức tạp và nguy hiểm hơn nếu không hiểu rõ đạo của Nhẫn. 

Phần đông, ai cũng có thể nhịn nhường một vài lần nhưng ít ai có thể duy trì tính cách đó cả đời. Bởi lẽ, con người luôn có giới hạn riêng của mình, những ai nhịn nhẫn như là một cách dồn nén trong tâm tư đến lúc không thể được nữa thì sẽ bùng phát như quả bom, như nước lũ tràn bờ thì việc nguy hại càng không thể ngăn chận được.

Vậy nên biết, đạo của Nhẫn là xem việc bị xúc phạm, tranh giành, thị phi hay dối gạt hại người là những điều nên tránh kịp thời, phải biết cách giãi quyết ôn hòa, là điều không nên nghĩ tới, là điều không cân đo xem xét nặng nhẹ cho mình và nếu được thế tự dưng sẽ không giữ phiền muộn  trong lòng. Quan trọng nhất là cách thể hiện bên ngoài bằng nét mặt và lời nói như không. Đó là người biết Nhẫn.

4.       Sống chung không nên giấu riêng tiền của

Khi mọi người sống chung nhau trong cùng mái gia đình, ai cũng lo cất giấu riêng tiền tài lo cho bản thân phòng khi hữu sự, thì đó là việc làm tự đẩy mình ra xa khỏi những người yêu thương. Thông thường nhất là sự cất giấu tiền riêng giữa 2 vợ chồng, có thể nói đó là kết quả của một tình yêu không dựa trên lòng tin và không hiểu nhau.

Ngày nay, có người còn lợi dụng lòng tin yêu của nhau để vay vốn kiếm lời riêng, có người cất giấu tiền bạc bằng cách gởi gấm cho người khác và nhiều trường hợp khác tương tự như thế với những tính toán cá nhân, cuối cùng dẫn tới kết quả mất trắng, vừa mất tiền bạc vừa mất lòng tin lẫn tinh thần của mọi người trong gia đình.

Tiền bạc chỉ là vật ngoài thân, mất tiền con người có thể làm ra tiền khác nhưng lòng tin con người đã mất thì khó tìm lại được. Vì thế, bàn tính giúp đỡ nhau trong những hoàn cảnh khốn khó về tiền bạc với người trong gia đình là điều nên làm.

5.       Cha Mẹ yêu thương công minh với con cái

Làm bậc cha mẹ không nên yêu ghét mù quáng con cái vì những suy nghĩ và hành động của con. Phần nhiều cha mẹ thường trách mắng con cái khi chúng khôn lớn vì không làm được những điều họ mong muốn. Đau khổ hơn, các bậc Cha Mẹ chê trách con mình bất hiếu, hư hỏng, đổ lỗi cho mọi thứ trên đời mà không hề nhìn thấy lại quãng thời gian con cái của mình đã lớn lên dưới sự giáo dục của cha mẹ như thế nào.

Từ thuở nhỏ, trẻ con thường hay được sự nuông chìu của cha mẹ và ngược lại các cha mẹ thường bỏ qua những hành động nhỏ, vô ý thức của con, họ không uốn nắn hay giãi thích cho chúng hiểu, vì cho rằng chúng quá bé để hiểu rõ hành động của mình. Cho đến khi khôn lớn, những hành động lỗi lầm của chúng trở thành thói quen gây ảnh hưởng đến cha mẹ, những lời trách mắng hay giãi thích lúc này đều trở nên vô dụng.

Thế nên, “Dạy con từ thuở còn thơ...” là dạy con từ chính những lỗi lầm nhỏ nhất để tránh được những lỗi lầm lớn sau này. Giáo dục con không phải bằng sách vở giáo khoa hay những lời giáo điều quy cũ là đủ, mà phải dạy bằng chính suy nghĩ và hành động thực tế, cụ thể trước mặt chúng. Những gì cha mẹ khuyên bảo con cái không nên làm chính là những nguyên tắc đặt ra cho chính cha mẹ của chúng thi hành. Trẻ con rất nhạy cảm, học rất nhanh và học hỏi mọi thứ từ những gì xung quanh chúng, từ cha mẹ, từ những lời nói, hành động và việc làm của tất cả mọi người chúng tiếp xúc hàng ngày và làm theo rất giỏi. Do đó, nếu học được những điều tốt đẹp từ nhỏ chúng sẽ trở thành người tốt có ích cho xã hội.

Tóm lại, để tránh đỗ vỡ mất mát trong một gia đình thì nguyên tắc yêu thương và hiểu biết công bằng là nền tảng cho mọi người cùng nhau học hỏi và duy trì. Trên có công minh thì dưới mới tôn kính và thi hành. Cha mẹ yêu thương con cái công bình, biết giáo dục con ngay từ thuở nhỏ, biết tạo tấm gương tốt cho con noi theo thì không gì làm con cái hư hỏng được. Vợ chồng hay anh chị em trong nhà biết nhường nhịn cho nhau, hiểu nhau vì hạnh phúc chung trong gia đình thì nền tảng gia đình luôn được ổn định vững chắc. Đó là vốn quý nhất trên đời.

Cầu mong mọi gia đình có hạnh phúc.
Tâm Duyên
Ref. 7

Đọc thêm - Other blogs

Tư Vấn - Counselling Form