Tạo hóa rất công bằng đã ban cho con người cảm tính giận hờn thương ghét đối với mọi việc diễn ra trên cuộc đời. Đó chính là tâm lý phản xạ tự nhiên trong hành động Nhận và Cho. Khi ta nhận tổn thương hay điều không vui ta đáp lại bằng sự bất mãn giận ghét, ngược lại nếu nhận lấy lợi ích hay vui vẻ ta sẽ hân hoan thương mến vô cùng. Nhờ cảm tính phản xạ đó, tình cảm con người được bộc lộ ra ngoài để cùng nhau hiểu được phần nào bản chất bên trong.
Tính chất và mức độ tình cảm trong lòng của mỗi người sẽ biểu hiện thương ghét buồn vui mạnh mẽ hay thầm lặng khác nhau, tùy theo yếu tố tâm sinh lý và những mối liên quan riêng của họ. Tuy nhiên, nếu tự thay đổi cảm tính phản xạ ngược lại, không ghét người gây tổn thương, không ghét những gì cho là đáng ghét hay phải đơn giản, bình thường hóa, tức phải Tha Thứ đối với người và việc gây thiệt hại cho mình, thì có dễ dàng không ?
THA THỨ
LÀ GÌ ?
Phần đông chúng ta hiểu rằng, Tha Thứ là hành
động cho đi, là tha bổng, xí xóa, bỏ qua những sai trái lỗi lầm của một
người đối với một người. Tha thứ cũng thường được cho là hành động xóa bỏ giận hờn, không trừng
phạt hoặc không đòi hỏi đền bù trả lại những gì bị thiệt thòi mất
mát từ lỗi lầm gây ra. Nói cách khác, tha thứ là cách suy nghĩ và
hành động chấp nhận, biến lỗi lầm lớn thành nhỏ, biến lỗi nhỏ
thành không, bằng một lý do nào đó.
Trong cuộc sống, ai cũng tức giận khi bị tổn
thương hay mất mát từ lỗi lầm của người khác gây ra. Những cơn tức
giận thường biểu lộ dưới nhiều hình thức khác nhau. Thông thường, cơn
giận đến đột ngột không thể khống chế và mức độ tức giận ít hay
nhiều, ngắn hay dài luôn tùy thuộc vào mức độ tổn thương thuộc vật
chất lẫn tinh thần. Do vậy, không ai có thể tha thứ lỗi lầm cho người
khác khi đang tức giận hoặc đang gánh chịu thiệt thòi...
Sự tha thứ chỉ có thể thực hiện sau khi nguôi
giận, vì tinh thần tỉnh táo hơn có thể suy xét lý do liên quan đến hoàn
cảnh, quan hệ, nguyên nhân, mục đích, mức độ thiệt hại..... Tuy nhiên,
đối với những tội lỗi có mục đích hại người gây đau thương tang tóc thì
chắc chắn không ai có thể dễ dàng tìm được sự tha thứ của ai.
THA THỨ – CÓ NGHĨA LÀ LÃNG QUÊN ?
Trong thực tế, việc xóa bỏ hay quên đi lỗi lầm của
người khác thường rất khó làm và càng trở nên phức tạp hơn trong
từng sự việc và hoàn cảnh mỗi người. Lỗi lầm lớn hay nhỏ để suy xét
tha thứ đều tùy thuộc vào mối quan hệ của người trong cuộc, mức độ ảnh hưởng cùng với
sự thông cảm và hiểu biết của đôi bên. Có những lỗi lầm tuy có thể tha
thứ nhưng không thực hiện được, hoặc có lỗi lầm khiến người luôn oán
giận cả đời không thể tha thứ cho nhau, hoặc đã tha thứ nhưng lại
không thể xóa được tổn thương đang tồn tại và cũng có lỗi lầm đôi lúc tưởng
chừng đã quên nhưng lại bùng lên mãnh liệt mỗi khi gợi nhớ....
Nhiều người nghĩ rằng, phải có lòng vị tha bác
ái hay phải tu tâm dưỡng tánh rèn luyện bản thân thì mới tha thứ
được lỗi lầm người khác và quên đi tổn thương của mình. Tuy nhiên, lòng bác ái xuất phát từ tri thức và rèn luyện mới đạt được. Có những tổn
thương vẫn còn tồn tại trong cuộc sống hàng ngày gây khó khăn, dù
muốn lãng quên cũng không thể quên được.
Do đó, lỗi lầm và sự tổn thương là 2 yếu tố riêng biệt khiến cho sự tha thứ và lãng
quên trở thành 2 chuyện hoàn toàn khác nhau.
KHÔNG THỂ THA THỨ
Khi bị xúc phạm hay gánh lấy hậu quả lỗi lầm, ta
thường tỏ thái độ đối nghịch, với lời lẽ cao giọng hay hành động phản
kháng nhằm bảo vệ bản thân. Cơn tức giận thường bùng phát theo cảm
tính cá nhân dẫn đến hành động tiêu cực khó kiềm chế được. Người
tức giận thường cảm thấy nhịp tim trong cơ thể đập mạnh, hơi thở dồn
dập và đầu óc rối loạn, bởi vì trong lúc này các mạch máu trong cơ
thể đang dồn nén nhanh từ tim lên não và dẫn truyền xuống các tứ chi
khiến tay chân run rẩy.
Sau khi cơn giận nguôi đi, đầu óc có thể suy nghĩ bình
tĩnh hơn về mọi chuyện xãy ra. Khi không thể tha
thứ thì cơn tức giận sẽ có cơ hội lập lại nhiều lần, kéo theo tình
trạng huyết áp cao dẫn tới những biến chứng tim mạch rất nguy hại
đến sức khỏe.
Có những cơn giận biểu hiện trầm lặng hơn, không
bộc phát bằng thái độ phản kháng mạnh mẽ ra ngoài. Họ tự dồn nén
cảm xúc, che đậy suy nghĩ oán hận, không thể tha thứ và giữ mãi
trong lòng theo thời gian. Sự tức giận thầm lặng như thế thường gây
hậu quả trầm trọng không kém, vì quá trình diễn biến âm ĩ trong tâm
tư, tạo cơ hội cho tâm bệnh, khiến trạng thái luôn buồn phiền oán
giận. Kết quả, gây ảnh hưởng đến hệ miễn nhiễm cơ thể làm rối loạn
các chức năng lục phủ ngũ tạng sinh ra những chứng bệnh khó
chữa trị dẫn đến nguy nan cả đời.
THA THỨ – VÌ NGƯỜI HAY VÌ MÌNH ?
Tha thứ là điều rất khó thực hiện và phức tạp
trong cuộc sống thực tế, vì mỗi người có riêng quan điểm trên nhiều
khía cạnh khác nhau để đi đến quyết định. Có khi dễ quyết định vì
ta cho rằng, tha thứ là hành động ban phát ân huệ cho kẻ lầm lỗi.
Thật sự, món quà to lớn nhất chính là “Lòng thanh thản của bản thân”. Tha thứ để được tinh thần
thoải mái, được sống cuộc sống an nhiên, đó là nguyên nhân chính để đi
đến quyết định tha thứ.
Thí dụ, cha mẹ thường cho rằng con trẻ không biết
gì nên bỏ qua những lỗi lầm của chúng, hoặc giữa anh chị em hay bạn bè có sự thông hiểu nên dễ tha thứ cho nhau, hoặc tha thứ vì lần đầu phạm lỗi, vì không cố ý, vì thế này hay thế
nọ...Mỗi trường hợp có hàng ngàn lý do để suy xét nguyên nhân giúp cho quyết định tha thứ dễ dàng tùy thuộc vào tấm lòng rộng lượng mỗi người. Tuy nhiên,
tha thứ không có nghĩa là thỏa hiệp với lỗi lầm, không bao che hay
nguỵ biện cho lỗi lầm để nó tiếp tục tái diễn và cũng không có
nghĩa là, sẽ vĩnh viễn lãng quên những lỗi lầm đó trong tương lai.
SUY XÉT THA THỨ
Việc suy xét lỗi lầm thường là vấn đề rất khó
khăn vì ai cũng cân nhắc thua thiệt lợi hại dành phần đúng cho mình.
Phần nhiều những cuộc xung đột trở nên tệ hại hơn vì không ai chịu nhìn
nhận lỗi lầm. Đôi khi, chỉ cần một câu nói “Xin Lỗi” nhẹ nhàng sẽ
giúp mọi chuyện được giãi quyết nhanh chóng. Nhưng lại nghĩ rằng, xin
lỗi là nhận lỗi tức phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, là điều không
ai muốn.
Vì thế, cần phải rèn luyện cách suy xét tha thứ
và nhận lỗi đúng đắn. Trước tiên, phải tự quan sát đánh giá bản
thân, kiểm soát quan điểm và thái độ hàng ngày trong cách cư xử đối
với mọi người. Tự lựa chọn cho mình phương cách tốt nhất giúp bản
thân kiềm chế cơn tức giận, tự tạo tinh thần nhẹ nhàng khi đối diện
vấn đề. Quan trọng hơn hết, nên có quan điểm tích cực để nhìn 2 mặt vấn
đề thấu đáo hơn. Suy nghĩ tích cực
sẽ dẫn đến hành động và thái độ thích ứng trong từng trường hợp, giúp
suy xét mọi việc dễ dàng hơn rất nhiều.. Có lỗi thì phải nhìn nhận
để xin tha thứ và ngược lại nên tha thứ và thông cảm cho người gây
lỗi lầm.
HÃY HỌC CÁCH THA THỨ ĐỂ ĐƯỢC THA THỨ
Trong cuộc sống ngoài xã hội cũng như trong gia
đình, ta luôn có những mối quan hệ cần thiết để duy trì. Trong các
mối quan hệ đó, sự lầm lẫn hay sai trái thường xãy ra giữa người
với người là điều tất nhiên không tránh khỏi. Có sai lầm thì phải
sữa chữa, vì sữa chữa giúp phát triển tiến bộ hơn. Do vậy tha thứ
là hành động vị tha tạo cơ hội cho sai lầm sữa chữa. Người đối với
người bằng tính vị tha thì sẽ tạo một xã hội tràn đầy bác ái an
lành. Tuy nhiên, tha thứ không có nghĩa là bao che hay thỏa hiệp với
lỗi lầm. Những lỗi lầm gây đau thương to lớn thuộc phạm vi pháp luật
xét xử, chứ không nằm trong tính vị tha cá nhân con người.
Khi bị tổn thương và đang tức giận không ai có thể
dễ dàng tha thứ cho ai. Những cơn tức giận thường làm cho sự tổn
thương trở nên trầm trọng hơn vì mất tự chủ bản thân. Do thế, cần phải tự rèn luyện hàng
ngày, tự kiểm soát bản thân trong mọi tình huống là phương cách tốt
nhất giúp giảm bớt căng thẳng và giãi quyết vấn đề nhanh chóng. Quyết
định tha thứ sẽ trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn khi nghĩ đến sức
khỏe tinh thần bản thân, vì mình chứ không phải vì người. Tha thứ
chính là hành động thay đổi bản thân, chấp nhận lỗi lầm của người và
chịu đựng tổn thương để duy trì các mối quan hệ cần thiết trong cuộc
sống.
"Đừng sợ thua thiệt, bạn sẽ Nhận được gấp đôi những gì bạn Cho đi"
"Đừng sợ thua thiệt, bạn sẽ Nhận được gấp đôi những gì bạn Cho đi"
Tâm Duyên
Tháng 9.2014