Tuesday, 20 May 2014

Ngẫm suy...

SAI – ĐÚNG - SAI – ĐÚNG - SAI – ĐÚNG…?


Nghĩa là gì ?  Vâng, đó là một chuỗi dài nhận thức về những thái độ và hành động của con người nối tiếp và thay đổi bổ sung cho nhau trong quá trình sống phát triển từ sơ sinh đến lão thành. Ngay từ khi khởi đầu cuộc sống, con người hoàn toàn vô thức tự nhiên, chỉ hành động theo bản năng và cảm tính của mình không hề phân biệt Đúng Sai chỉ sao cho thỏa mãn với mong muốn được hưởng thụ an nhàn sung sướng. Và, đến khi khôn lớn dù với nhận thức Đúng Sai con người vẫn mong muốn có cuộc sống sung sướng đến tận cuối cuộc đời...

Vậy, nhận thức đầu tiên thế nào là Sai và Đúng ? Nhận thức đó Đúng hay Sai ?

Tất cả những hành động của con người trong bước khởi đầu đều do cảm tính tự nhiên của mỗi người và sau đó nếu nhận lấy kết quả khó khăn bất lợi hay cảm nhận những mất mát đau thương, thì họ bắt đầu suy nghĩ về cái Sai trong hành động của mình và nghĩ đến cách khác cho là Đúng. Thế là Đúng Sai ra đời trong ý thức được truyền bá cho người khác và học hỏi lẫn nhau để đạt được những mong muốn trong cuộc sống. Vậy có thể nói, không có Sai thì không có Đúng và nhờ Đúng để sửa Sai.

Đúng Sai là gì ? Đúng Sai ở đâu ? Đúng Sai hòa hợp như thế nào ? Tất cả đã được sơ lược trong: 
http://tamdaoblog.blogspot.com.au/2012/05/ung-va-sai-trong-suot-cuoc-oi-moi-nguoi.html#more 

SAI LÀ CÁI NÔI SINH RA ĐÚNG

Ngay từ thời đại nguyên thủy, khi con người sống hoang dã đã từng tranh giành miếng ăn lẫn nhau, hay khi sống từng bộ lạc cũng đã đi lấn chiếm đất đai của bộ lạc khác và rất nhiều nhiều hành động xuất phát từ bản tính tự phát để tồn tại trên cơ bản tự nhiên, mạnh được yếu thua giống như mọi loài động vật khác, họ không hề có so sánh hay lựa chọn cách khác ngoài những tranh giành lợi ích cho mình. Cho đến khi bị thất bại, tổn thất, chết chóc, cảm nhận đau buồn thì họ mới suy nghĩ về hành động của mình. Những khi được sống trong yên bình thì con người cảm thấy thoải mái vui vẻ, họ bắt đầu có suy nghĩ với so sánh và lựa chọn cách hành động làm thế nào để không gây tổn thương lẫn nhau và sống lâu dài. Từ đó, họ hiểu được hành động không nên làm là Sai và ngược lại nên làm là Đúng.

Một em bé sơ sinh từ lúc chào đời đến khi trưởng thành cũng trãi qua một quá trình phát triển tâm sinh lý tự nhiên như vậy, không hề có suy nghĩ so sánh hay lựa chọn. Tất cả những biểu hiện la khóc đòi hỏi của em bé đều xuất phát từ nhu cầu cơ bản muốn được ăn ngũ nuông chìu để thoả mãn cảm giác no ấm cho mình. Đến khi phát triển càng lớn em bé càng đòi hỏi nhiều thứ khác hơn và khi bị la rầy thì mới biết được những hành động thế nào là Sai phải sửa lại cho Đúng.

VÔ THỨC HỆ

Nhìn chung, những suy nghĩ, hành động và cử chỉ con người thường xuất phát từ hệ vô thức. Đó là một hệ thống tự do và âm thầm trong trí óc chưa có kiểm soát của ý thức nên thường không có lý giãi nguyên nhân rõ ràng. Tính chất của vô thức là mong muốn hưởng thụ, đạt cảm giác thăng hoa, thỏa mãn sung sướng. Hệ vô thức đó bao gồm 2 loại trong trí não:

-  Vô thức tự nhiên - Là dạng thức theo tính tự nhiên của bản năng trí óc có sẵn từ khi mới sanh ra đời. Vô thức tự nhiên điều khiển hoàn toàn ý thức hệ của con người và sau đó bị khống chế dần theo giai đoạn phát triển từ những tiếp thu học hỏi của ý thức.

-  Vô thức điều kiện – Là dạng vô thức tự nhiên đã được thay đổi theo điều kiện của môi trường, dẫn tới những suy nghĩ và hành động lập đi lập lại nhiều lần trở thành thói quen.

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA ĐÚNG và SAI

Những suy nghĩ và hành động của con người khi bị vô thức lôi cuốn mạnh mẽ thường thoát khỏi sự kiểm soát của ý thức dễ sinh ra hậu quả bất lợi tổn thương cho bản thân và người khác, được nhận thức là Sai. Tuy nhiên, cũng với mục đích hưởng thụ thỏa mãn cho cá nhân mà biết suy nghĩ cẩn trọng để lựa chọn cách hành xử đem lại vui vẻ như mong muốn, không tổn hại đến ai thì kết quả đó được chọn là Đúng. Cũng như em bé đến khi được cha mẹ dạy dỗ và học hỏi từ trường lớp, thì em mới có ý niệm về Đúng và Sai để suy xét và lựa chọn phải làm theo cho Đúng.

Hành động Sai và Đúng cứ thế mà thay đổi và học hỏi lẫn nhau qua nhiều thế hệ, theo từng sự việc, từng hoàn cảnh, từng con người trong từng xã hội... Khi Sai bị nhận diện bằng những tổn thương thì chắc chắn sau đó sẽ bị hủy diệt nhường chỗ cho Đúng để sửa đổi. Thế là Đúng và Sai trở thành cặp đôi hoàn hảo không thể tách rời hay lẽ loi một mình, bởi vì cả hai vừa cùng có vai trò hợp tác bổ sung cho nhau vừa khống chế ngăn cản lẫn nhau. Đó chính là nguyên tắc tự nhiên của 2 mặt trong một vấn đề được tồn tại từ những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống.

NHẬN THỨC ĐÚNG - SAI

Những thế hệ đi trước đã truyền lại cho thế hệ sau những kinh nghiệm và bài học để giúp nhận thức Đúng-Sai rõ ràng. Nhận thức này còn giúp khống chế được vô thức hệ sẵn có trong mỗi con người. Thế nhưng, việc nhận thức Đúng-Sai lại tùy thuộc rất nhiều vào sự học hỏi và rèn luyện ý thức của mỗi cá nhân. Ai cũng có quyền lựa chọn cách hành động riêng cho mình để đạt được điều mong muốn, nhưng không ai có thể lưạ chọn kết quả cho những hành động đó, vì mọi việc đã được định sẵn trong chính quy luật tự nhiên của nó.

Trong thực tế, tuy việc đánh giá Đúng-Sai do nhận thức biết được nhưng trong từng trường hợp cụ thể thường trở nên phức tạp vì con người lại dễ bị tình cảm và lợi lộc chi phối xuất phát từ các quan hệ gần gũi trong phạm vi gia đình, học đường và xã hội. Nếu phân tích Đúng-Sai chỉ dựa vào tình cảm hay lợi ích cá nhân mà không mang tính logic của vấn đề thường rất khó phân minh Đúng-Sai rõ ràng, dẫn người trong cuộc đến tranh chấp bất hoà và khiến cho vấn đề càng thêm bế tắc.

NHỮNG BIỂU HIỆN ĐÚNG - SAI NGÀY NAY

Nhận thức thế nào thì biểu hiện hành xử như thế đó. Ngày nay nhờ có kỹ thuật điện tử ứng dụng rộng rãi khắp nơi nên con người càng phân biệt Đúng Sai rõ ràng hơn. Tuy thế, nhận thức Đúng-Sai lại không đơn thuần như tránh Sai làm Đúng như mọi người đã biết. Chuỗi tiếp nối của cặp đôi Sai-Đúng đang mở ra một chuỗi kế tiếp mang sắc thái khác hơn. Đôi khi Đúng bị biến thành Sai và ngược lại Sai trở thành Đúng trong vài tư tưởng con người. Thật vậy, Đúng-Sai lẫn lộn vào nhau trong từng suy nghĩ và hành động để phục vụ cho mục đích hưởng thụ cá nhân, đẩy con người rơi trở lại vào trạng thái mê hoặc, lôi cuốn họ vào dục vọng tham lam và vô thức hệ lại có cơ hội trở nên mạnh mẽ hơn.

Dù thế nào đi nữa, quy luật tự nhiên nằm trong kết quả của hành động Đúng-Sai không hề thay đổi, nó luôn tương xứng với những hành động đã làm, tức là những hành động Sai chắc chắn sẽ gây tổn thương và bị hủy diệt bằng chính hành động Đúng của nó.

CHỌN LỰA VÀ KẾT QUẢ

Như đã nói, việc chọn lựa hành động thế nào và kết quả của hành động đó ra sao đều đã được định sẵn trong nguyên tắc tự nhiên. Thí dụ, nếu sống và hành xử Đúng bằng hài hoà nhân nghĩa thì kết quả là sự tươi đẹp nhưng nếu sống Sai bằng tranh giành lừa lọc thì cuộc đời luôn đầy sóng gió, mất mát không yên. Đó là 2 đầu tương xứng cho 1 sự lựa chọn, đầu này cho đi thế nào thì kết quả ở đầu kia sẽ nhận lại y như thế đó.

Khi suy nghĩ chọn lựa cách hành động, nếu ý thức yếu đuối sẽ bị vô thức hệ khống chế nên sẽ không thấy Đúng Sai rõ ràng, chỉ thấy cái lợi trước mắt mà đặt lợi ích cá nhân hơn tất cả những gì khác. Càng bị vô thức mạnh mẽ mê hoặc, càng không thể lường trước được hậu quả có khi bất chấp cách hành động Sai dẫn đến thất bại hay mất mát là điều không thể tránh được..

Không có gì thương tâm và buồn đau hơn khi người ta không có nhận thức rõ ràng, có khi biết Sai mà vẫn làm để gây ra biết bao tổn thương mất mát, mà vẫn không hề thay đổi. Ví dụ, trong tình hình hiện tại với nạn buôn phụ nữ bán trẻ em, tệ nạn cướp giựt, dịch bệnh lây lan và nổi bất an trong lòng người dân ngày càng tăng cao là kết quả lãnh đạo của người đứng đầu quốc gia. Một đất nước đầy dẫy cái Sai, nghe và thấy Sai mỗi ngày, nó hiện diện mỗi lúc, mỗi nơi đến quen thuộc trở nên bình thường...Đó là những biểu hiện của hành động vô thức có điều kiện, mang tính vô lương tâm và vô nhân đạo không thể tồn tại lâu dài...

ĐÚC KẾT

Cuộc đời là những bậc thang cho con người bước lên cao tìm đến hạnh phúc. Khi bắt đầu từ bước đầu tiên, sự nhận biết Đúng-Sai sẽ càng dễ dàng và rõ ràng hơn nếu có sự chuẩn bị gói hành trang kiến thức và kinh nghiệm cho mình.

Khi đứng ngay trên bậc thang đầu tiên, nếu không đủ tri thức và cẩn trọng thì không thể nhận ra được bậc thang Sai hay bậc thang Đúng. Khi bước tiếp lên bậc thang thứ hai với sự tổn thương hay bất lợi gây ra từ bậc thang thứ nhất, thì người ta mới biết bậc thang thứ nhất là Sai. Nếu vẫn cứ bước tiếp lên bậc ba, bậc bốn với nhận thức Sai lầm thì chắc chắn không những không tìm thấy hạnh phúc cho mình mà còn gây ra biết bao tổn thương thất bại. Ngược lại, nếu biết trao dồi kiến thức, biết rút kinh nghiệm từ Sai lầm, biết học hỏi và biết lắng nghe người khác thì từ bậc thang thứ hai trở lên ta sẽ nhanh chân tìm thấy đỉnh cao hạnh phúc an lành.

Muốn vậy, cần phải tích lũy thu góp thật nhiều cho hành trang nhận thức của mình, gánh vác càng nặng nề bao nhiêu thì lòng tự tin vào bước chân lên những bậc thang kế tiếp sẽ càng được vững vàng bấy nhiêu. Lúc ấy, việc lựa chọn hành động thế nào cho thích hợp con đường mình đi sẽ trở nên dễ dàng hơn. Nên nghĩ rằng, trong mọi suy nghĩ lựa chọn nếu không đặt lợi ích cá nhân lên mọi vấn đề và không muốn người khác làm điều Sai với mình thì đừng bao giờ làm Sai với người khác. Suy nghĩ và làm được những điều Đúng chắc chắn sẽ đem lại cho bản thân rất nhiều điều tốt đẹp vững bền.

Chúc mọi người luôn sáng suốt trong nhận thức Đúng-Sai để lựa chọn cách hành động thích hợp cho mình và cho người khác...

Tâm Duyên
Counsellor

Đọc thêm - Other blogs

Tư Vấn - Counselling Form